Philippines tập trận với Mỹ khi Tổng thống Duterte từ chối chỉ trích Trung Quốc vụ tàu trên Biển Đông

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:12, 12/04/2021

Philippines và Mỹ hôm 12.4 bắt đầu cuộc tập trận kéo dài hai tuần để giới thiệu liên minh quốc phòng của họ trong bối cảnh có tranh chấp giữa giữa quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc trên Biển Đông.

Việc nối lại các cuộc tập trận thường niên diễn ra trong bối cảnh các quan chức hai nước gần đây thảo luận về những căng thẳng ở Biển Đông. Họ cũng bày tỏ hy vọng vào tương lai của liên minh này, vốn đã bị rơi vào tình trạng không chắc chắn bởi nỗ lực xích lại gần Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch COVID-19, các cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) năm nay sẽ có sự tham gia của 960 lính Mỹ và Philippines. Đây là phiên bản thu nhỏ của các cuộc tập trận trước đó để tuân thủ các quy trình y tế.

"Dù các bài tập trận năm nay đang giảm bớt do cuộc khủng hoảng sức khỏe đang diễn ra, song sẽ không cản trở mục đích thực sự của các cuộc tập trận Balikatan, đó là thúc đẩy mối quan hệ quân sự ngày càng bền chặt và khả năng tương tác giữa hai lực lượng vũ trang của chúng ta", chỉ huy Các lực lượng vũ trang Philippines – Trung tướng Cirilito Sobejena phát biểu trong lễ khai mạc ở Trại Aguinaldo của Thủ đô Manila hôm 12.4.

Các trò chơi chiến tranh chung, bao gồm cả huấn luyện an ninh hàng hải, diễn ra khi sự hiện diện của hàng chục tàu Trung Quốc ở bãi đá ngầm Ba Đầu đã làm xáo trộn quân đội Philippines những tuần gần đây và gây ra cuộc tranh cãi giữa các quan chức Philippines với Trung Quốc.

Chính quyền Biden ủng hộ Philippines, nói rằng một cuộc tấn công vũ trang vào một tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến chuyện Mỹ đáp trả Trung Quốc theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951.

Bộ Quốc phòng Philippines hoan nghênh sự đảm bảo của Mỹ và cho biết họ đang giữ "để ngỏ mọi lựa chọn", bao gồm cả việc thúc đẩy liên minh với Mỹ, khi Trung Quốc bác bỏ yêu cầu từ Philippines về việc rút các tàu dân quân biển.

Trung Quốc khẳng định các tàu này là tàu cá hoạt động ở ngư trường truyền thống.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines - Delfin Lorenzana hôm 11.4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin "đã đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm cả nâng cao nhận thức tình huống về các mối đe dọa ở Biển Đông", theo một bài báo từ Lầu Năm Góc.

Hôm 16.4, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Philippines - Teodoro Locsin Jr. về các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

"Cả hai bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan vào quỹ đạo tương lai của hợp tác song phương Philippines - Mỹ khi năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước", thông báo từ Philippines cho biết.

Thế nhưng đằng sau những lời nhận xét của sự tự tin là những điều không chắc chắn. Năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề nghị chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký năm 1998, vốn rất quan trọng đối với Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau và việc tiến hành các cuộc tập trận như Balikatan, sau khi Mỹ hủy bỏ thị thực của một đồng minh chính trị.

Vào tháng 11.2020, ông Duterte đã đình chỉ việc chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng, thêm 6 tháng nữa để đàm phán lại thỏa thuận.

philippines-tap-tran-chung-voi-my-khi-tong-thong-duterte-tu-choi-chi-trich-trung-quoc-ve-vu-tau-tren-bien-dong1.jpg
Các quan chức Philippines và Mỹ khai mạc cuộc tập trận Balikatan lần thứ 36 vào ngày 12.4 tại Trại Aguinaldo ở Thủ đô Manila

Carl Thayer, nhà phân tích an ninh khu vực và là giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Úc), cho biết liên minh Mỹ-Philippines không thể hoạt động nếu không có Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng chung.

Ông Thayer nói: "Tình huống này không phải là lý tưởng vì nó làm suy yếu tác dụng răn đe của Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau đối phó với Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng hiện nay tại bãi đá Ba Đầu nên tạo thêm áp lực cho cả hai bên để giải quyết bế tắc này càng nhanh càng tốt".

Ông Duterte đã củng cố mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc và tránh chỉ trích Bắc Kinh về đội tàu ở bãi đá Ba Đầu. Thay vào đó, Tổng thống Philippines nói rằng vấn đề này "sẽ không phải là một trở ngại" với một "quỹ đạo tích cực" của quan hệ song phương, bao gồm hợp tác trong xử lý COVID-19, chẳng hạn như vắc xin và các ứng phó sau đại dịch. Trung Quốc đã viện trợ 1 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Philippines.

Vào tháng 2.2021, ông Duterte cho biết Mỹ sẽ "phải trả giá" nếu muốn duy trì Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng và hai bên đã thảo luận điều này.

Hôm 11.4, tuyên bố từ Bộ quốc phòng Philippines cho biết Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ - Lloyd Austin "nhắc lại tầm quan trọng của Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng và hy vọng rằng nó sẽ được gia hạn".

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Delfin Lorenzana "cam kết thảo luận vấn đề với Tổng thống Duterte khi sự chấp thuận cuối cùng thuộc về ông ấy" và yêu cầu ông Lloyd Austin giúp theo dõi nhanh việc cung cấp vắc xin Moderna cho nước này.

Ông Carl Thayer cho biết hành động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp "là chất xúc tác để hai bên thiết lập lại quan hệ quốc phòng và bắt đầu thảo luận về hợp tác về lĩnh vực này sâu rộng hơn".

Bộ trưởng Ngoại giaoQuốc phòng Philippines nhận thức sâu sắc về mối đe dọa với chủ quyền quốc gia mà các hành động gần đây của Trung Quốc gây ra cho họ. Họ sẽ phải tìm cách xoa dịu cái tôi của Tổng thống Duterte và đạt được một thỏa thuận với Mỹ", ông Thayer nhận định.

Nhân Hoàng