Xây mới 1.000 nhà vệ sinh trường học: Sức khỏe học đường là tương lai tầm vóc Việt

Nhịp cầu nhân ái - Ngày đăng : 19:40, 12/04/2021

Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê hai lần nghẹn ngào vì quá xúc động khi phát biểu tại lễ phát động “Điều ước cho em” - một chương trình thiện nguyện mà cô là đại sứ.

Trước hình ảnh thiếu thốn những điều thiết yếu như bữa ăn, lớp học, nhà vệ sinh của các học sinh vùng khó khăn trên cả nước, H’Hen Niê nói: “Là cô gái Ê Đê, em muốn có mặt tại đây hôm nay không phải với tư cách một hoa hậu, mà là đại diện cho các em dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, để kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức, lan tỏa yêu thương”.

Ký ức của Hoa hậu - Đại sứ và sự cấp thiết cải thiện sức khỏe học đường

Bên lề sự kiện, H’Hen Niê chia sẻ với phóng viên câu chuyện rất thật của bản thân liên quan đến những nhà vệ sinh trường học trong ký ức: “Là học sinh miền núi, nhà vệ sinh trường học trong trí nhớ của em là những nơi không hề dễ chịu. Những năm cấp 1 và cấp 2, em không dám đi vệ sinh ở trường, hạn chế uống nước để đỡ phải… “giải quyết nhu cầu”. Lên cấp 3, do nhà xa trường mà vẫn có nỗi ám ảnh về những nhà vệ sinh nhưng lại không hề “vệ sinh”, nên cả buổi học em sẽ… nhịn uống nước luôn. Bây giờ, nhìn lại mới thấy đó là việc làm không tốt cho sức khỏe”.

hhen-nie.jpg
Hoa hậu H’Hen Niê – Đại sứ chương trình “Điều ước cho em”

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020 vẫn còn hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn trên cả nước. Hàng nghìn nhà vệ sinh vẫn do trường phải đi mượn hoặc thuê, không đáp ứng nhu cầu của học sinh, gây mệt mỏi không đáng có cho các em trong thời gian ở trường.

Vị Đại sứ xinh đẹp và thân thiện của chương trình “Điều ước cho em” cho biết các khu vệ sinh ở trường cũ của cô nay đã sạch đẹp hơn nhiều, tuy nhiên cũng còn rất nhiều vùng sâu vùng xa khác trên cả nước, các em nhỏ chưa có may mắn được thụ hưởng sự cải thiện như vậy.

Câu chuyện về nhà vệ sinh học đường rất riêng của H’Hen Niê hóa ra lại không hề của riêng cô. “Vì vậy, H’Hen muốn kể câu chuyện của cá nhân mình để từ đó kêu gọi các nhà hảo tâm, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ các em nhỏ ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn về cả các khía cạnh khác của sức khỏe học đường, như xây trường, tài trợ bữa ăn trưa bán trú, cải thiện cơ sở vật chất, điện, nước, đồ dùng học tập”.

Đại sứ “Điều ước cho em” cũng nhắn nhủ sau câu chuyện của riêng mình: “Một nhà vệ sinh sạch sẽ giống như người bạn của các em ở trường học. Không chỉ là nơi để làm chức năng cơ bản của nó, đối với em nó còn là nơi mà khi bạn ấm ức, bạn có thể trốn vào trong đó khóc một hồi cho thỏa, để rồi sau đó bước ra với gương mặt và cả nỗi lòng nhẹ nhõm hơn. Nhà vệ sinh trường học sạch sẽ cũng rèn luyện cho các em nếp sống văn minh và rất quan trọng đối với sức khỏe học đường”.

1.000 nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn cho học sinh vùng khó

Ngay trong ngày 11.4 – Ngày Thế giới làm việc tốt, cũng là ngày diễn ra lễ phát động chương trình “Điều ước cho em” do Chính phủ chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng Trung ương Đoàn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án tri thức Việt số hóa tổ chức, 3 nhà vệ sinh mới đã được tài trợ khởi công tại điểm trường xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và điểm trường Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ba công trình này nằm trong cam kết tài trợ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh đạt chuẩn mà Tập đoàn TH, thông qua Quỹ Vì tầm vóc Việt thực hiện, tiên phong hưởng ứng chương trình “Điều ước cho em”.

quy-vtvv-trao-bien-1000-nvs-2.jpg
Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt thay mặt Quỹ, Tập đoàn TH và BAC A BANK trao biển tặng 1.000 nhà vệ sinh cho chương trình "Điều ước cho em"

“Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn đầu, chương trình tập trung hỗ trợ 6 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay: Hỗ trợ xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; Hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; Hỗ trợ hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; Hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (sách vở, dụng cụ học tập, quần áo…); Hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).

Hiện thực hóa ước mơ 1.000 nhà vệ sinh trường học (tương đương 60 tỉ đồng) trong 10 năm, TH sẽ mang tới sự cải thiện đáng kể về vệ sinh học đường cho hằng trăm nghìn học sinh tại hàng nghìn trường mầm non và tiểu học vùng biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa trên cả nước

Chọn món quà tặng thầy trò vùng khó là những nhà vệ sinh đạt chuẩn, mới, sạch đẹp, an toàn, thân thiện, luôn có đầy đủ nước sạch, Tập đoàn TH mong muốn góp phần giáo dục nếp sống văn minh cho trẻ em, cải thiện vệ sinh học đường, một trong những yếu tố quan trọng trong chương trình lớn và bao quát hơn mà TH đang theo đuổi: Chương trình Sức khỏe học đường.

Sức khỏe học đường – “Điều ước” lớn nhất dành cho thế hệ trẻ

Xây 1.000 nhà vệ sinh hay xây các điểm trường, xây cầu cho trẻ em vùng cao, hỗ trợ bữa trưa tại trường cho các em nhỏ…, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH cho rằng đó mới là những việc làm cấp bách và trước mắt. Mục tiêu dài hơi hơn mà TH theo đuổi, đó là khởi xướng và đóng góp thiết thực cho chương trình bền vững và toàn diện hơn: Chương trình Sức khỏe học đường.

Tập đoàn TH hiện đang đồng hành cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” - một nghiên cứu cấp quốc gia để xây dựng nền tảng chính sách về sức khỏe học đường. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia và Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.

Mô hình điểm được thực hiện cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học tại 10 tỉnh thành đại diện các vùng miền trong cả nước, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang trong năm học 2020-2021.

son-la-16-1617374164168.jpg
son-la-1-1617375198874.jpeg
Bữa ăn trưa bán trú tại Trường tiểu học Tô Múa (H.Vân Hồ, tỉnh Sơn La) theo mô hình điểm Bữa ăn học đường đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai tại 10 tỉnh thành trên cả nước, với sự đồng hành của Tập đoàn TH

Mô hình triển khai các giải pháp can thiệp sớm bằng cách xây dựng bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm song song với hoạt động thể lực nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây, phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ.

Sau một năm triển khai, mô hình điểm sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5.2021 và sau đó được tổng kết, đánh giá bởi các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó làm cơ sở thực tiễn và khoa học để đề xuất chính sách về dinh dưỡng học đường và thể chất học đường nhằm triển khai trên toàn quốc.

Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc BAC A BANK mong muốn chương trình Sức khỏe học đường được triển khai bài bản trên toàn quốc.

Phát biểu trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại sự kiện “Điều ước cho em”, nhà sáng lập Tập đoàn TH, bà Thái Hương bày tỏ: “Tôi rất mong muốn Phó thủ tướng, các bộ, ban, ngành chung sức, làm bài bản, có nghiên cứu và từ sau 10 tỉnh thử nghiệm có thể làm chính thức chương trình này. Chúng tôi cam kết sẽ cùng đồng hành với chương trình. Tôi nghĩ sẽ nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng cùng làm. Chương trình Sức khỏe học đường có thể nói chính là “điều ước” lớn lao nhất, không chỉ dành cho trẻ em vùng khó, mà dành cho cả thế hệ trẻ Việt Nam, hướng tới đưa các em trở thành những công dân văn minh và hòa nhập quốc tế trong tương lai”.

Q.C