Đài Loan đối đầu Trung Quốc khi ra nghị quyết chống lại quân đội Myanmar
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:37, 13/04/2021
Có sự ủng hộ của đảng cầm quyền và được đa số thông qua hôm 9.4, nghị quyết báo hiệu một sự thay đổi chính sách khiến Đài Loan trở nên tách biệt hơn với Trung Quốc, Nga và Thái Lan, những nước đều có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với quân đội Myanmar.
Không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng Đài Loan là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Myanmar.
Nghị quyết lưu ý rằng "sự tàn bạo của quân đội Myanmar đã gây ra cú sốc, lo ngại và lên án trên toàn cộng đồng quốc tế", gọi bạo lực là "không thể chấp nhận được". Nghị quyết kêu gọi chế độ quân sự "khôi phục nền chính trị dân chủ càng sớm càng tốt", đề nghị chính quyền Đài Loan bảo vệ công dân Đài Loan ở Myanmar và kéo dài thời gian cư trú của người Myanmar sống ở hòn đảo này.
Thế nhưng, nghị quyết không đề cập đến các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể xảy ra với quân đội Myanmar.
Nhà lãnh đạo Đài Loan – Thái Anh Văn và chính quyền của bà trước đây đã miễn cưỡng lên án rõ ràng cuộc đảo chính của Myanmar, nhưng nghị quyết được ủng hộ bởi đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) cầm quyền cũng như đảng đối lập Quốc dân đảng (KMT).
Hunter Marston, nhà phân tích chính trị ở Canberra (Úc) từng theo dõi Myanmar, cho biết: “Nghị quyết này nhận được sự ủng hộ từ tất cả các đảng chính trị lớn, cả DPP và KMT. Điều đó có ý nghĩa ở chỗ nó thể hiện sự đồng thuận dựa trên ý kiến công chúng ở Đài Loan”.
Động thái trên nhấn mạnh các cách tiếp cận khác nhau của Đài Loan và Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của họ. "Ngay cả cách thức mà cơ quan lập pháp của Đài Loan đưa ra đề nghị này cũng phản ánh quá trình dân chủ đằng sau việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Đài Loan", Hunter Marston nói.
Hunter Marston cho rằng: “Nghị quyết hứa hẹn ở chỗ nó chỉ ra một sự đồng thuận rõ ràng hơn với các nền dân chủ khác trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước vẫn cần phải có lập trường vững chắc hơn chống lại cuộc đảo chính trước khi quân đội Myanmar cảm thấy thực sự bị cô lập, nhưng đó là một quan trọng là bước đi đúng hướng".
Dù vậy, Wan Ying Weng, chuyên gia tại Đài Bắc về Myanmar, người từng làm việc tại Cơ quan lập pháp Đài Loan, cho biết nghị quyết đáng lẽ phải yêu cầu chính quyền bà Thái Anh Văn điều tra xem các công ty Đài Loan có làm ăn với quân đội Myanmar hay không và yêu cầu các nhà đầu tư kiểm tra hoạt động của họ.
Bà Wan Ying Weng nói với trang Nikkei: “Đài Loan cũng nên xem xét kỹ lưỡng việc nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến chế độ quân sự Myanmar hay không, rồi báo cáo và trả lời các câu hỏi của cơ quan lập pháp”.
Vào giữa tháng 3.2021, Đại sứ quán trên thực tế của Đài Loan tại Myanmar đã khuyến cáo các công ty Đài Loan hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á treo cờ của hòn đảo và treo biển báo họ đến từ Đài Loan để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc, sau các cuộc tấn công và đốt nhiều nhà máy do Trung Quốc tài trợ ở thành phố Yangon.
Nghị quyết có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc về Myanmar, vốn gần đây đã gia tăng sau khi Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa mới vào ngày 9.4 với hòn đảo này. Trung Quốc cho biết quân đội Đài Loan "sẽ không có cơ hội" nếu họ quyết định tấn công.
Vào tháng 2.2021, Thời báo Hoàn Cầu (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) chỉ trích Liên minh trà sữa, mà họ gọi là "một liên minh trực tuyến lỏng lẻo gồm những người chủ yếu đến từ Hồng Kông và Đài Loan thích tấn công Trung Quốc trên mạng xã hội", vì đã khuấy động tin đồn chống lại Trung Quốc ở Myanmar.
Ngày 3.4, Thời báo Hoàn cầu cáo buộc Đài Loan cố gắng "nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hỗn loạn ở Myanmar để làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc đại lục ở các khu vực xung quanh và nước ngoài".
Trung Quốc và Đài Loan có một lịch sử rối ren ở Myanmar khi cả hai bên đều tranh giành quyền kiểm soát các khu vực biên giới, sau khi tàn quân Quốc dân đảng (bị quân Cộng sản Trung Quốc đánh bại) đang chạy trốn chiếm đóng các vùng đó trong những năm 1950 với sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ. Ngay cả sau khi Quốc Dân đảng chuyển sang Thái Lan, các cộng đồng vẫn ở lại, xây dựng các trường học tiếng Trung và duy trì các liên kết đã chứng kiến nhiều người từ Myanmar chuyển đến Đài Loan để học tập, làm việc.
Đài Loan có rất ít quyền tiếp cận chính thức với Myanmar trong những thập kỷ trước đây của chế độ quân sự. Đài Loan đã mở đại sứ quán trên thực tế - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc - tại Yangon vào đầu năm 2016 khi bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị thành lập chính phủ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2015.
Đài Loan ngày nay là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Myanmar, dù mức độ thực sự bị che giấu vì dữ liệu chính thức không bao gồm các công ty Đài Loan được đăng ký thông qua các công ty con trong khu vực của họ. Các nhà đầu tư lớn bao gồm hãng sản xuất giày dép Pou Chen, Ngân hàng Cathay United, Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega, Ngân hàng Thương mại E. Sun và nhà sản xuất thực phẩm nông nghiệp Dachan Great Wall.
Vào tháng 3, hàng trăm người từ Myanmar sống ở Đài Loan đã tập hợp tại Quảng trường Tự do, trung tâm Đài Bắc, để lên án cuộc đảo chính ở quê hương họ.
Thomas Chen, giảng viên người Hoa gốc Myanmar tại Đại học Soochow ở Đài Bắc - người tham gia cuộc biểu tình, cho biết: “Cộng đồng người Myanmar ở Đài Loan ban đầu hơi thất vọng với chính quyền Đài Loan vì đã không lên tiếng ủng hộ người dân Myanmar và phong trào dân chủ của họ. Nhưng chúng tôi hiện cảm động và được cổ vũ bởi nghị quyết cũng như việc chính quyền Đài Loan làm rõ quan điểm của họ. Đài Loan có thể làm được nhiều việc hơn, chẳng hạn như xử phạt các tướng lĩnh và công ty liên kết với quân đội Myanmar”.
Các điều khoản trong dự thảo đề xuất lên án hành động tàn bạo của quân đội Myanmar và kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo dân chủ khác đã không được đưa vào nghị quyết cuối cùng, theo truyền thông Đài Loan.
Người phát ngôn Cơ quan ngoại giao Đài Loan - Âu Giang An cho biết họ tôn trọng nghị quyết và kêu gọi quân đội Myanmar ngừng chiến dịch trấn áp. Bà Âu Giang An nói có khoảng 500 doanh nhân Đài Loan vẫn ở Myanmar.
Đây là loại nghị quyết đầu tiên về Myanmar trong thế giới nói tiếng Trung và hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc, quốc gia đã từ chối sử dụng từ "đảo chính" và ngăn cản nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm buộc quân đội phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan tháng trước nói rằng "không nên có sự can thiệp của nước ngoài" vào Myanmar. Chính quyền Hồng Kông không bình luận gì về tình hình ở Myanmar.
Trưởng đặc khu kinh tế Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thăm chính thức Myanmar và gặp bà Aung San Suu Kyi vào năm 2017 để thúc đẩy quan hệ thương mại, ngay sau cuộc đàn áp quân sự chống lại người Hồi giáo Rohingya. Vì các nhà lãnh đạo Hồng Kông thường chỉ đến thăm các nền kinh tế phát triển hơn, chuyến đi của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phản ánh tầm quan trọng đặc biệt của Myanmar.
"Việc Đài Loan sẵn sàng lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình và trở lại nền dân chủ cho thấy sự nhấn mạnh của họ với các giá trị và nhân quyền", nhà phân tích chính trị Hunter Marston nói.