Hãng sản xuất xe máy điện Việt Nam huy động được 2,6 triệu USD từ nhà đầu tư Singapore
Xe - Ngày đăng : 12:04, 13/04/2021
Vòng gọi vốn Series A là khi startup bắt đầu mở rộng hoạt động hoặc tăng trưởng nhanh (doanh thu và khách hàng đã ổn định ở mức độ cụ thể), các nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào những dữ liệu thực tế để xem xét tiềm năng để dự án có thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền có giá trị hay không.
Vòng Series A thường là sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần. Nếu đã có mặt trước đó, nhà đầu tư sẽ xem xét nguồn vốn họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào và liệu lần đầu tư này có tốt cho nguồn quỹ của họ. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng này là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ hay các liên doanh.
Được sản xuất tại Việt Nam với hầu hết phụ tùng trong nước, điểm hấp dẫn của Dat Bike là khả năng cạnh tranh với xe máy chạy bằng xăng về giá cả và hiệu suất. Nguồn vốn mới của Dat Bike là lần đầu tiên Jungle Ventures đầu tư vào lĩnh vực có tính di động và bao gồm sự tham gia của Wavemaker Partners, Hustle Fund, iSeed Ventures.
Tên thật Nguyễn Bá Cảnh Sơn, sinh năm 1990 và là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dat Bike, Sơn Nguyễn bắt đầu học cách chế tạo xe máy từ các bộ phận phế liệu khi đang làm kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Năm 2018, anh chuyển về Việt Nam và cho ra đời Dat Bike.
Hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sở hữu xe hai bánh, nhưng phần lớn chạy bằng khí đốt. Sơn Nguyễn nói với trang TechCrunch rằng nhiều người muốn chuyển sang xe máy điện, nhưng trở ngại lớn là hiệu suất.
Sơn Nguyễn cho biết xe của Dat Bike cho hiệu suất cao gấp 3 lần (5 kW so với 1,5 kW) và phạm vi hoạt động gấp 2 lần (100 km so với 50 km của hầu hết các loại xe máy điện trên thị trường, ở cùng mức giá). Weaver, chiếc xe máy điện hàng đầu của Dat Bike, được tạo ra để cạnh tranh với xe máy chạy bằng xăng.
Weaver có chỗ ngồi cho hai người, động cơ 5000W giúp tăng tốc từ 0 đến 50 km/h trong 3 giây. Weaver có thể được sạc đầy với một ổ cắm điện tiêu chuẩn trong khoảng 3 giờ và đi được tới 100 km trong một lần sạc (lần tiếp theo xe máy sẽ đi được 200 km trong một lần sạc).
Dat Bike đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 12 năm ngoái. Sơn Nguyễn cho biết công ty “đã vận chuyển được vài trăm chiếc xe máy cho đến nay và vẫn còn tồn đọng các đơn đặt hàng”.
Sơn Nguyễn nói thêm rằng Dat Bike tăng trưởng 35% so với tháng trước trong số lượng đơn đặt hàng mới sau khi cửa hàng tại TP.HCM khai trương.
Ở mức 39,9 triệu đồng, tương đương khoảng 1.700 USD, giá Weaver cũng tương đương với mức giá trung bình của những chiếc xe máy xăng. Dat Bike hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để cung cấp cho người tiêu dùng gói thanh toán 12 tháng không lãi suất.
Trong khi Chính phủ Việt Nam chưa thực hiện trợ giá cho xe máy điện, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất các quy định mới bắt buộc cơ sở hạ tầng điện tại các bãi đậu xe và trạm xe, điều mà Sơn Nguyễn cho biết sẽ làm tăng việc sử dụng xe điện. Các công ty sản xuất xe máy điện khác của Việt Nam có VinFast và PEGA.
Một trong những lợi thế của Dat Bike là xe điện được sản xuất trong nước với các bộ phận có nguồn gốc địa phương. Sơn Nguyễn cho biết lợi ích của việc sản xuất tại Việt Nam thay vì tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc và các nước khác là dịch vụ hậu cần hợp lý và chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, vì hầu hết các nhà cung cấp của Dat Bike cũng ở trong nước.
Ông Sơn Nguyễn cho biết: “Cũng có những lợi thế về thuế rất lớn với địa phương, vì thuế nhập khẩu với xe máy là 45% và với phụ tùng xe máy từ 15% đến 30%. Giao thương trong khu vực Đông Nam Á được miễn thuế, điều đó có nghĩa là chúng tôi có lợi thế cạnh tranh để mở rộng ra khu vực, so với xe máy nhập khẩu nước ngoài”.
Dat Bike có kế hoạch mở rộng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng của mình ở Đông Nam Á trong vòng 2-3 năm tới, với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư như Jungle Ventures.
Nhà sáng lập Jungle Ventures - Amit Anand nhận định: “Ngành công nghiệp xe hai bánh trị giá 25 tỉ USD ở Đông Nam Á nói riêng đã chín muồi để gặt hái những lợi ích từ những phát triển mới về xe điện và tự động hóa. Chúng tôi tin rằng Dat Bike sẽ dẫn đầu mảng này và tạo ra một chuẩn mực mới không chỉ trong khu vực mà còn có khả năng trên toàn cầu về diện mạo cùng hoạt động của thế hệ xe điện hai bánh tiếp theo”.
Nguyễn Bá Cảnh Sơn học chuyên về lập trình từ lớp 6. Đến năm lớp 12, anh giành Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế lần XX tổ chức tại Ai Cập. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ khoa học máy tính, Sơn làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ).
Tháng 12.2018, Sơn về Việt Nam và thành lập Dat Bike. Đây là startup sản xuất xe máy điện với sản phẩm đầu tay mang tên Weaver. Chiếc xe có động cơ 5.000 W, tốc độ tối đa 80 km/h, quãng đường đi được 100 km ở tốc độ 40 km/h, sạc đầy pin trong ba tiếng. Giá mẫu xe này đang là 39,9 triệu đồng.
Cuối năm 2019, startup này mở nhà máy ở Bình Dương với công suất lên đến 1.000 xe mỗi tháng. Dat Bike đã đạt kiểm định của Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu giao xe đến người dùng từ đầu năm 2020, doanh số tăng 4.000% so với giai đoạn mới thành lập.