Một tiểu hành tinh bay qua Trái đất ở khoảng cách gần
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:45, 13/04/2021
Tiểu hành tinh mang tên 2021 GW4 di chuyển với tốc độ 30.094 km khi bay qua hành tinh chúng ta, nhanh gấp 9 lần so với đạn súng trường. Tại thời điểm gần nhất, 2021 GW4 lướt qua hành tinh chúng ta chỉ bằng 7% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Khoảng cách này gần với Trái đất hơn một số vệ tinh địa tĩnh thường quay quanh quỹ đạo ở độ cao khoảng 35.405 km. Tiểu hành tinh này sẽ đến gần Trái đất nhất vào lúc 21 giờ 1 phút ngày 13.4 (giờ Việt Nam).
Nhà thiên văn Gianluca Masi, người sáng lập dự án Kính viễn vọng ảo, đã viết trên trang web của mình rằng tiểu hành tinh đến “đặc biệt gần” với Trái đất. Theo thống kê của NASA, các nhà thiên văn học ước tính tảng đá không gian này rộng từ 3,5 - 7,7 mét, có nghĩa là nó tương đối nhỏ. Vì kích thước của nó, tiểu hành tinh 2021 GW4 không thể quan sát bằng mắt thường, nhưng các nhà thiên văn học nghiệp dư có thể ghi hình nó bằng kính viễn vọng.
Bức ảnh dưới đây do Masi chụp vào 8 giờ sáng 13.4 (giờ Việt Nam), sử dụng phơi sáng 180 giây trên kính viễn vọng PlaneWave. Trong đó, tiểu hành tinh 2021 GW4 xuất hiện dưới dạng một đốm trắng duy nhất ở giữa bức ảnh, được đánh dấu bằng một mũi tên. Vào thời điểm này, nó đang bay ở khoảng cách 299.338 km. Các đường mờ là ánh sáng từ các ngôi sao khi kính viễn vọng di chuyển để theo dõi tiểu hành tinh.
Masi cho rằng lần tiếp cận này của 2021 GW4 là an toàn. Ông nói: “Các tiểu hành tinh có kích thước cỡ này đến gần như vậy là tương đối hiếm. Nhưng cho đến nay, chúng ta đã ghi nhận 4 vật thể bay ở khoảng cách bằng 0,07 quãng đường từ Mặt trăng đến tâm Trái đất. 2021 GW4 là thiên thể lớn nhất trong số này”.
Đôi khi các tiểu hành tinh tác động tới bầu khí quyển của Trái đất và có xu hướng phát nổ giữa không trung do lực quá mạnh tạo ra bởi tốc độ của chúng. Vào tháng 10.2008, tiểu hành tinh 2008 TC3 đã phát nổ trên không trung Sudan với sức công phá tương đương khoảng 1.000 tấn thuốc nổ TNT.
Các vật thể gần Trái đất (NEOs) thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, là những vật thể thuộc hệ Mặt trời có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm.
Một vật thể được xem là NEO nếu bay trên quỹ đạo cách Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Những NEO ở tương đối gần Trái đất sẽ được phân loại là vật thể “có khả năng gây nguy hiểm”. Nhóm này bao gồm những vật thể có đường kính lớn hơn 140 m và bay tới cách Trái đất từ 7,4 triệu km trở xuống.
Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo.
Cho đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất (CNEOS) của NASA đã phát hiện ra hơn 25.000 tiểu hành tinh. Khoảng 1.000 trong số chúng được cho là lớn hơn 1 km nhưng hầu hết đều nhỏ hơn.
Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới.
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.
Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.