Nga gọi Mỹ là 'đối thủ', ông Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh với Putin để giải quyết tranh chấp
Quốc tế - Ngày đăng : 08:50, 14/04/2021
Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và giao tranh đã gia tăng trong những tuần gần đây ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ đã chiến đấu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm mà Ukraine nói đã giết chết 14.000 người.
Trong dấu hiệu lo ngại về căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Biden đã gọi điện cho Tổng thống Putin đề nghị gặp nhau ở nước thứ ba, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
“Tổng thống Biden cũng nói rõ rằng Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trước các hành động của Nga, chẳng hạn như xâm nhập mạng và can thiệp bầu cử. Tổng thống bày tỏ quan ngại của chúng tôi về việc Nga đột ngột tăng cường quân sự ở Crimea và ở biên giới Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng”, Nhà Trắng cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói Nga đã điều động hai đội quân và ba đơn vị lính dù đến biên giới phía tây của mình như một phần cuộc tập trận nhanh nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và đáp trả những gì mà ông gọi là hành động đe dọa quân sự từ NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).
Sergei Shoigu nói trên truyền hình nhà nước rằng bài tập kéo dài ba tuần, mà ông gọi là thành công, sẽ kết thúc trong hai tuần tới.
Ngoài ra, ông Sergei Shoigu cho biết NATO đang triển khai 40.000 quân và 15.000 thiết bị quân sự gần biên giới của Nga, chủ yếu ở Biển Đen và các vùng Baltic.
Liên minh phương Tây phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào như vậy.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên: “Chúng tôi biết năng lực của Nga. Sự tập hợp khổng lồ này mà họ đã thực hiện về mặt quân sự... để thực hiện hành động gây hấn, nhưng chúng tôi không biết rõ ràng ý định của họ ".
Kể từ khi sáp nhập Crimea, Nga thường xuyên cáo buộc NATO gây bất ổn cho châu Âu bằng các hoạt động tiếp viện quân sự của họ ở các nước Baltic và Ba Lan.
Tổng thống Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng “một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được” với Nga, cho biết cuộc gặp với ông Putin trong những tháng tới có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề mà hai cường quốc thế giới phải đối mặt.
Điện Kremlin thông báo trong cuộc gọi của mình, Biden nói với Putin rằng ông muốn bình thường hóa quan hệ và hợp tác về kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran, Afghanistan, biến đổi khí hậu.
Điện Kremlin xác nhận ông Biden đã đề xuất một cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Putin nhưng không tiết lộ nhà lãnh đạo Nga phản ứng như thế nào.
Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đã lặp lại thông điệp của Nhà Trắng trong cuộc hội đàm về cuộc khủng hoảng ở Brussels với các nhà lãnh đạo NATO và ngoại trưởng Ukraine.
Antony Blinken cũng cho biết ông sẽ thảo luận về tham vọng của Ukraine sẽ gia nhập NATO một ngày nào đó, dù Pháp và Đức từ lâu đã lo lắng rằng việc đưa nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào liên minh phương Tây sẽ gây phản cảm với Nga.
"Mỹ là đối thủ của chúng tôi và làm mọi thứ có thể để làm suy yếu vị thế của Nga trên trường thế giới", Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố hôm 13.4.
Nhận xét của ông Sergei Ryabkov cho thấy rằng những thiện chí ngoại giao mà hai kẻ thù cũ trong Chiến tranh Lạnh thường tìm cách tuân thủ những thập kỷ gần đây đang dần phai nhạt và Nga sẽ mạnh mẽ đẩy lùi điều mà họ coi là sự can thiệp không thể chấp nhận từ Mỹ trong phạm vi ảnh hưởng địa lý của mình.
Andrew Weiss, nhà phân tích về Nga tại Carnegie Endowment for International Peace (Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại), cho biết cuộc trao đổi giữa ông Biden với Putin phản ánh mối quan tâm của Mỹ về Ukraine và mong muốn làm việc với Nga, nơi họ có thể có lợi ích chung.
“Cần phải gửi một tín hiệu khẩn cấp trực tiếp tới Putin rằng những gì Nga đang làm ở và xung quanh Ukraine là nguy hiểm, gây mất ổn định, ngay cả khi các bộ phận khác của chính quyền cố gắng không thúc đẩy hợp tác về các vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, Afghanistan, biến đổi khí hậu và ổn định chiến lược”, ông Andrew Weiss nói.
Hai tàu chiến Mỹ sẽ đến Biển Đen trong tuần này để đáp trả những gì các quan chức Mỹ và NATO gọi là đợt tập hợp lớn nhất của lực lượng Nga - với hàng ngàn binh sĩ sẵn sàng chiến đấu - kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine.
“Chúng tôi cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ tốt hơn nếu tránh xa Crimea và bờ Biển Đen của chúng tôi. Nó sẽ tốt cho họ”, Ryabkov nói và gọi việc triển khai tàu chiến của Mỹ là hành động khiêu khích để kiểm tra thần kinh của Nga.
Ngoại trưởng Blinken đã gặp người đồng cấp Ukraine - Dmytro Kuleba tại Brussels sau khi các bộ trưởng Ngoại giao G7 (Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh) lên án những gì họ nói là sự gia tăng không rõ nguyên nhân của quân số Nga.
Nhắc đến Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg, người đã gặp ông Dmytro Kuleba trước đó, Ngoại trưởng Blinken nói rằng các hành động quân sự của Nga trước ngưỡng cửa Ukraine là "rất khiêu khích".
Ông Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo với Dmytro Kuleba: “Nga phải chấm dứt việc xây dựng quân sự ở trong và xung quanh Ukraine, ngừng các hành động khiêu khích và giảm leo thang ngay lập tức".
Ukraine đã hoan nghênh việc thể hiện sự ủng hộ của phương Tây.
Dmytro Kuleba cho biết Ukraine muốn có một giải pháp ngoại giao, dù ông cũng kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa với Nga và hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.
Ông Antony Blinken và Dmytro Kuleba cho biết Jens Stoltenberg sẽ chủ trì cuộc họp video với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao đồng minh vào 14.4.
Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin đã có mặt tại trụ sở NATO để thông báo cho 29 đồng minh khác về Ukraine và Afghanistan.