Nhiều nước cạnh tranh nhau việc xây dựng lại cảng Beirut
Chuyển động - Ngày đăng : 07:52, 15/04/2021
“Ai cũng để mắt đến: người Nga, người Trung Quốc, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Pháp và bây giờ cả người Đức. Nhưng hiện tại chỉ mới dừng ở bày tỏ ý định”, quyền giám đốc quản lý cảng Bassem al-Kaissi cho biết.
Tuần trước, một đoàn đại diện của vài công ty Đức công bố dự án tái thiết hấp dẫn trị giá 30 tỷ USD. Kế hoạch đầy tham vọng - vạch ra bởi các đơn vị trong đó có công ty tư vấn cảng Hamburg - tìm cách di chuyển cảng Beirut về phía đông; đổi mới bộ mặt khu vực từng hứng chịu vụ nổ bằng nhà ở xã hội, công viên trung tâm, bãi biển.
Pháp không đứng ngoài cuộc. Tổng thống Emmanuel Macron thăm Lebanon liên tiếp 2 lần trong 1 tháng sau khi vụ nổ xảy ra, lần thứ hai có Chủ tịch tập đoàn vận tải biển CMA-CGM Rodolphe Saade (người Pháp gốc Lebanon) tháp tùng.
Nhân chuyến thăm, CMA-CGM trình bày về dự án gồm 3 giai đoạn nhằm xây dựng lại, mở rộng và hiện đại hóa nơi từng là cảng Beirut thành “hải cảng thông minh”.
2 giai đoạn đầu cần 400 - 600 triệu USD, công ty sẽ tài trợ 50%. Khoảng 50 đơn vị và tổ chức quốc tế khác đã ngỏ ý hợp tác.
CMA-CGM từng thành công giành được quyền quản lý một trạm container tại cảng Tripoli (năm 2014) cho đến năm 2041, nên họ hy vọng sẽ sớm thắng thầu dự án xây dựng cảng Beirut.
Nhà phân tích chính trị Imad Salamey thuộc đại học Lebanon - Mỹ cho biết ngoài lợi ích thương mại, thái độ sốt sắng của công ty nước ngoài còn xuất phát từ toan tính địa chính trị: cơ hội thăm dò khí đốt ngoài khơi Địa Trung Hải, lo ngại nguy cơ Nga bành trướng ảnh hưởng, triển vọng hợp tác kinh tế giữa Israel với các nước Ả Rập sau bình thường hóa.
Năm 2018, Lebanon ký hợp đồng khai thác dầu khí đầu tiên với liên doanh gồm 3 đơn vị dầu khí hàng đầu Total (Pháp) - ENI (Ý) - Novatek (Nga). Xa hơn về phía bắc, Nga đã bắt đầu khai thác dầu ngoài khơi Syria.
Theo nhà phân tích Salamey, với Trung Quốc thì cảng Beirut chẳng hề quan trọng. Tuy nhiên quốc gia châu Á có thể dựa vào đây củng cố quan hệ với Iran – nước có tầm ảnh hưởng tại cả Syria lẫn Lebanon.
Cựu đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề vùng Cận Đông David Schenker cảnh báo nguy cơ Trung Quốc thắng thầu: “Kiểu làm việc thiếu minh bạch cùng lập trường đầy mâu thuẫn đối với lực lượng Hezbollah khiến khả năng Trung Quốc tham gia công cuộc tái thiết là kịch bản tồi tệ nhất”. Ông kêu gọi Mỹ hợp tác chặt chẽ với quốc gia nào giành được quyền xây dựng lại cảng Beirut.
Cộng đồng quốc tế yêu cầu Lebanon tiến hành cải cách sâu rộng trước khi được nhận viện trợ nước ngoài phục vụ giải cứu kinh tế. Nhưng suốt 8 tháng qua, chia rẽ chính trị khiến nước này chưa thể lập nên nội các mới.
Mặc dù vậy, quyền giám đốc al-Kaissi cho biết các nhà chức trách đang lập kế hoạch xây dựng lại cảng Beirut.
Dự án do công ty Đức đề xuất gặp trở ngại lớn. Một số nhà hoạt động Lebanon lo ngại kế hoạch sẽ lặp lại sai lầm biến khu vực quanh cảng Beirut thành nơi quá đắt đỏ, người dân không thể với tới.
Ngày 4.8.2020, gần 3.000 tấn ammonium nitrate không được bảo quản an toàn phát nổ tại cảng Beirut. Vụ việc tàn phá toàn bộ bến tàu cùng hàng loạt công trình xung quanh, khiến hơn 200 người thiệt mạng.