221 y, bác sĩ BV Bạch Mai nghỉ việc: Do cơ chế và thay đổi mô hình làm việc

Sự kiện - Ngày đăng : 09:14, 15/04/2021

Với 221 y, bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã đồng loạt xin nghỉ việc khiến dư luận quan tâm.

Khẳng định với phóng viên bản thân không hề muốn nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai sau hơn 25 năm gắn bó, bác sĩ Phạm Th. - cho biết điều anh nuối tiếc nhất sau khi rời khỏi bệnh viện không phải do áp lực kinh tế hay do mệt mỏi về công việc mà đó chính là điều đánh giá năng lực chịu trách nhiệm nhiều hơn nhưng cơ sở không đồng bộ.

Giải thích kỹ hơn về điều này, anh Th. cho biết hiện nay ngành y tế có sự chuyển mình trong công tác phục vụ bệnh nhân và bệnh viện Bạch Mai cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc thay đổi và chuyển mình của một bộ máy công tác hay chính một bệnh viện phải đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được kinh phí cũng như đặt quyền lợi của y, bác sĩ lên cao nhất có thể để gắn với trách nhiệm công việc mà họ đang đảm nhiệm.

img6709-1618377764372513445566.jpg
Các bệnh nhân được các y, bác sĩ thăm khám tại bệnh viện Bạch Mai

"Tuy nhiên, việc này lại không thực hiện ở bệnh viện Bạch Mai khi trách nhiệm của các y, bác sĩ được gắn liền với người bệnh, nhưng cơ sở vật chất không đủ, kinh phí dành cho các bác sĩ không đạt tới quyền lợi tối đa. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cao hơn, thu nhập không hơn mà thậm chí chỉ cần làm sai lỗi nhỏ là bị trừ tiền từ 2-3 tháng lương, có người bị trừ tới 50% lương. Theo tôi được biết, có những bác sĩ gần như đi làm không có lương trong 2-3 tháng vừa qua. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người nộp đơn xin nghỉ việc và cũng có nhiều người bị buộc thôi việc do cơ chế thay đổi", - bác sĩ Th. cho hay.

Cũng chia sẻ thêm về điều này, bác sĩ Th. cũng cho biết bản thân anh hiện nay cũng đã có một công việc khác tốt hơn ở một bệnh viện khác, tuy nhiên để nói lên tiếng nói của mình với báo chí, anh cho rằng "đó chỉ là một phần thôi, đa phần anh em khác không muốn chia sẻ vì đã rời đi rồi thì không muốn nhắc lại. Tôi chỉ mong các lãnh đạo muốn thay đổi thì cũng phải làm từ từ, đồng ý là ưu tiên người bệnh, nhưng cũng phải xem lại anh em trong bệnh viện lương và thưởng có tương xứng với trách nhiệm họ đang đảm nhận hay không. Chứ chỉ ưu tiên người bệnh, cụ thể như không có chủ trương cho người bệnh nằm ghép thì giá thành giường nằm 1 người 1 giường cũng phải tăng lên, từ siêu âm cho tới các chi phí khác cũng tăng lên, nhưng đây lại không tăng mà gánh trách nhiệm cho các y, bác sĩ. Trước đây, bệnh viện dùng tới 70% là giường dịch vụ, đáp ứng cho nhu cầu người bệnh, còn những bệnh nhân sử dụng Bảo hiểm y tế sẽ buộc nằm ghép, nhưng giờ lại không đồng ý cho nằm ghép thì những người nằm dịch vụ họ sẽ chuyển bệnh viện khác, phần còn lại là các bệnh nhân nằm giường bảo hiểm y tế cũng được nằm giường như giường dịch vụ sẽ rất khó để duy trì".

do-van-thanh.jpg
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai

Theo đánh giá của vị bác sĩ này, đa số các y, bác sĩ nghỉ việc là do cường độ làm việc căng thẳng, cao hơn trước trong khi thu nhập lại giảm, tâm trạng không còn được thoải mái nên khi các y, bác sĩ tìm được chỗ làm việc có môi trường, thu nhập tốt hơn thì việc họ xin nghỉ việc ở một bệnh viện lớn như bệnh viện Bạch Mai là hết sức bình thường.

Cùng chung ý kiến với bác sĩ Th. những bác sĩ khác đã nghỉ việc ở bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết với mô hình quản lý mới, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu từng khoa, từng phòng phải báo cáo kiểm điểm, chấm điểm thi đua từng cá nhân sẽ khiến các y, bác sĩ làm việc áp lực hơn mà dễ bị ức chế khi bị trừ lương vào những điều không thỏa đáng. "Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân là tốt, là đổi mới nhưng việc đãi ngộ với anh em lại không hợp lý. Thời gian qua, nguồn thu, mà cụ thể là lương, giảm tới 50-60%. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi” - một bác sĩ cho hay.

Hơn nữa, tại bệnh viện Bạch Mai thời gian này cũng thực hiện nhiệm vụ không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá bảo hiểm y tế.

Theo lý giải của lãnh đạo bệnh viện là để bệnh viện hoạt động phù hợp với cơ chế tự chủ trong tình hình mới, bệnh viện triển khai tổ chức lại bộ máy sao cho đảm bảo tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong tổng số cán bộ, nhân viên nghỉ việc có 1 người mang hàm phó giáo sư đã xin nghỉ việc, nhiều tiến sĩ cũng xin nghỉ nhưng nghỉ là để chuyển sang nơi khác có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, không phải tất cả số nhân sự nghỉ đợt này đều có trình độ cao, cũng có nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.

"Chúng tôi thống kê đã có 221 cán bộ, nhân viên y tế chuyển công tác, xin nghỉ việc (trong đó 43 người là bác sĩ, điều dưỡng, hơn 100 người khác là nhân viên dịch vụ). Bù lại, chúng tôi cũng tuyển thêm 506 người lao động. Đây đều là những nhân lực chất lượng cao. Cụ thể như Bệnh viện ưu tiên tuyển dụng các bác sĩ nội trú và cử nhân điều dưỡng của Trường Đại học Y Hà Nội. Đặc biệt, bệnh viện cũng tuyển dụng 1 số lãnh đạo là PGS phụ trách khoa Dược, Viện..." - lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai khẳng định.

Theo báo cáo gửi Bộ Y tế, bệnh viện Bạch Mai hiện đang đề nghị sớm ban hành giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm nguồn thu cho bệnh viện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức. Trong năm 2020, tổng doanh thu của Bệnh viện Bạch Mai năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ so với năm 2019 (giảm 26%). Mặc dù bệnh viện đã áp dụng chính sách hỗ trợ cán bộ viên chức bình ổn thu nhập (mỗi người 2 tháng lương đợt bệnh viện bị phong toả và hỗ trợ bình ổn thu nhập tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2020 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng) nhưng thu nhập của cán bộ, viên chức vẫn giảm nhiều so với năm 2019.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện đề án thí điểm tự chủ Bệnh viện giai đoạn 2020 – 2021, thời gian đầu bệnh viện gặp nhiều khó khăn về bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính. Trong đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá) dẫn đến nguồn thu, khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực cho bệnh viện còn hạn chế lớn.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, thuộc nhóm những bệnh viện lớn nhất Việt Nam với 4.300 nhân viên. Theo thống kê, mỗi ngày nơi đây tiếp nhập khoảng 6.000 đến 7.000 người đến thăm khám và hàng nghìn người điều trị nội trú. Trong năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả hơn 1 tháng do ghi nhận có ca nhiễm COVID-19. Đáng chú ý, cựu Giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Quốc Anh và một số nhân sự cũ của Bạch Mai cũng bị bắt đề phục vụ công tác điều tra vụ mua sắm trang thiết bị y tế tại đây.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung