11.000 nhà khoa học với kế hoạch hành động 6 điểm cứu khí hậu Trái đất
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:35, 08/11/2019
Theo New Atlas, cộng đồng khoa học quốc tế dự đoán loài người sẽ vô vàn khốn khó do khủng hoảng khí hậu, trừ khi có những thay đổi nghiêm trọng trong xã hội.
Lần này, các nhà nghiên cứu không chỉ chỉ ra vấn đề, mà còn đưa ra 6 bước để giải quyết nó. Các nhà khoa học từ Đại học Sydney (Úc), Đại học Oregon (Mỹ), Đại học Tufts (Mỹ), Đại học Cape Town (Nam Phi) đã phân tích dữ liệu trong hơn 40 năm và biên soạn một báo cáo mở rộng về các vấn đề nóng lên toàn cầu.
Trong đó, ngoài sự thay đổi nhiệt độ bề mặt - dấu hiệu thay đổi rõ ràng nhất, các nhà nghiên cứu phân tích các yếu tố khác: phát thải khí carbon, khối lượng băng cực, nạn phá rừng, phương thức sử dụng năng lượng, tăng trưởng dân số, tỷ lệ sinh đẻ và GDP.
Các tác giả kết luận rằng cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ngoài các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, tuyên bố đã được ký bởi 11.000 nhà khoa học khác từ 153 quốc gia, hợp nhất trong một tổ chức mới: Liên minh các nhà khoa học thế giới (Alliance of World Scientists).
Các nhà khoa học nhận thức được nghĩa vụ đạo đức để cảnh báo nhân loại về bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào.Thomas Newsam, một trong những tác giả của báo cáo cho biết theo dữ liệu có sẵn, rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tình hình là khó khăn, nhưng không phải là vô vọng. Chúng ta có thể thực hiện các bước để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp.
Báo cáo liệt kê các biện pháp sẽ ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra. Chúng được tập hợp thành 6 nhóm chính.
Trước hết về năng lượng. Điểm chính của phần này là sự từ bỏ dùng nhiên liệu hóa thạch và sự chuyển đổi sớm sang năng lượng tái tạo. Điều này có nghĩa là cần phải ngừng khai thác, cho dù có hấp dẫn và lợi nhuận như thế nào, xóa bỏ trợ cấp nhà nước cho than, dầu và khí đốt, tăng thuế đối với carbon dioxide. Nước giàu nên giúp đỡ người nghèo trong lĩnh vực này.
Đối với các chất ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn thì phải ý thức rằng carbon dioxide không phải là chất gây ô nhiễm nguy hiểm duy nhất. Những nguồn khác - metan, bồ hóng và hydrofluorocarbons (HFC) - không quá bền, nhưng chúng cũng gây hại rất lớn. Bằng cách giảm phát thải của các chất này, có thể giảm 50% tình trạng nóng lên.
Kế đó là thái độ đối với thiên nhiên. Do lỗi của con người, thiên nhiên đang nhanh chóng tiến tới sự tuyệt chủng hàng loạt các loài lần thứ sáu. Các hệ sinh thái như sinh vật phù du, rạn san hô, rừng, thảo nguyên, đồng cỏ, đầm lầy, than bùn, rừng ngập mặn và tảo đang bị đe dọa. Bảo tồn các hệ sinh thái này sẽ làm giảm lượng carbon dioxide trong khí quyển.
Còn về thức ăn, chế độ ăn kiểu phương Tây làm hỏng môi trường. Chăn nuôi lấy thịt và chăn nuôi bò sữa là nguồn chính thải ra khí mêtan. Giảm tiêu thụ thịt và các sản phẩm động vật khác là chìa khóa để giảm khí thải và giải phóng đất để trồng lại rừng. Các công nghệ mới có thể giúp mọi người với các lựa chọn thay thế bằng thịt nhân tạo và rau.
Về kinh tế thì có thể nói nền kinh tế hiện đại lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch, không cho phép từ bỏ công nghệ có hại cần thiết để lấy năng lượng từ than, dầu và khí đốt. Các nhà khoa học khuyên nên thay đổi mục tiêu kinh tế, coi trọng nhất nhu cầu cơ bản của con người và giảm bất bình đẳng ngay từ đầu.
Cuối cùng, tăng trưởng dân số cần được ổn định, với mức tăng 80 triệu mỗi năm. Vào cuối thế kỷ này, chúng ta sẽ có 10,9 tỉ người. Chúng ta nên cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội đơn giản và hợp lý để kế hoạch hóa gia đình và cải thiện trình độ giáo dục, đặc biệt là cho trẻ em gái và phụ nữ.
Vũ Trung Hương