Tết Chol Chnam Thmay 2021 của người Khơme ở miền Tây Nam Bộ

Du lịch - Ngày đăng : 11:46, 15/04/2021

Chol Chnam Thmay là ngày tết truyền thống của người dân tộc Khơme. Năm nay người dân H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, chùa chiền từ rất sớm để vui tết.

Người Khơme sinh sống nhiều ở các tỉnh trong khu vực vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ...

Cũng như các dân tộc khác, hằng năm dân tộc Khơme cũng tổ chức tết cổ truyền (gọi là Tết Chol Chnam Thmay), thường rơi vào ngày 14, 15 và 16.4 (dương lịch). Theo người Khơme, đây là khoảng thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong và sau 3 ngày tết, người dân sẽ vui vẻ, phấn khởi để chuẩn bị cho vụ mùa mới.

a9-vui-tet-nhung-cung-khong-quen-chong-dich-cua-dong-bao-khmer.jpg
Người Khơme vui tết nhưng cũng không quên chống dịch - Ảnh: Kim Cương

H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) cũng là nơi tập trung nhiều người dân tộc Khơme.

Anh Thạch Bình - Trưởng Công an xã Thới Xuân cho biết, xã có 614 hộ dân là người dân tộc Khơme, bao gồm 2.562 người, tập trung chủ yếu ở 2 ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2. Trong những ngày này, các hộ gia đình đã trang hoàng nhà ở và chùa rất lộng lẫy và vui tết.

Cũng giống như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Tết Chol Chnam Thmay có đầy đủ những ngày lễ: đêm giao thừa và 3 ngày lễ chính với các hoạt động khác nhau. Đêm giao thừa, nơi này, nhà nhà đều chuẩn bị thắp nhang, đèn, nấu bánh tét và làm lễ đưa thần Tê-vê-đa cũ và rước thần Tê-vê-đa mới về. Theo người dân nơi đây, Tê-vê-đa là vị thần ở trên trời, mỗi năm được sai xuống để chăm lo cuộc sống mọi người.

Những gia đình trong khu vực này còn tập trung lại để tổ chức tiệc giao thừa, họ ăn uống, ca hát và nhảy múa những điệu nhảy truyền thống. Kết thúc buổi tiệc, mỗi người ai sẽ về nhà đó để chuẩn bị cho cuộc vui ngày hôm sau. Người dân cho biết, trong 3 ngày này, có cùng điểm chung là mọi người sẽ đi gặp, thăm hỏi người thân, họ hàng, bạn bè và đến cúng chùa. Tuy vậy, mỗi ngày sẽ có những hoạt động nổi bật khác nhau.

Ngày đầu tiên, mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp để mang cỗ lên chùa cúng và ngồi nghe chư tăng tụng kinh. Đến buổi tối, văn nghệ được tổ chức tại chùa để xua tan mệt mỏi của những ngày lao động vất vả.

Ngày thứ 2, người dân làm cơm mang lên chùa dâng cho các vị sư sãi vào buổi sáng và trưa. Ngày thứ 3 là lễ Lơng Săk, người dân sẽ tập trung tới các chùa để tắm tượng Phật và tắm sư, dâng hương, dâng lễ cho chùa với mong ước đẩy đi những điều không may mắn ở năm cũ để bước sang năm mới mọi sự bình an, như ý.

Do tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp, vào những ngày lễ này, tại các chùa đều có trang bị nước xịt khuẩn, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Nhà chùa yêu cầu mỗi người có trang bị khẩu trang y tế để bảo vệ cho mình và cho mọi người xung quanh.

Trong những ngày đầu năm mới, mỗi người dân Khơme trong xã đều có những mong ước của riêng mình. Nhưng trong tình hình hiện tại thì đa số họ hầu như đều cùng chung ước nguyện là mong cho đất nước sớm dập tắt được dịch bệnh và không còn bùng phát lại để cuộc sống của người dân được ổn định.

Bà Danh Thị Hòa, ngụ xã Thới Xuân, TT.Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ tâm sự: “Hôm nay tôi rất vui và bước qua năm mới, cầu mong cho bà con trong ấp được dồi dào sức khỏe, mong sao cho hết dịch bệnh để bà con người ta khỏe mạnh làm ăn được ổn định”.

Thượng tọa Dương An (56 tuổi), Trụ trì chùa Settodor thuộc xã Thới Xuân cho biết: “Trong thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, nhưng riêng ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có hướng giải quyết đúng đắn, từ đó dịch bệnh hạn chế bùng phát, nhưng cũng không được chủ quan. Và năm mới mong ước rằng, mọi sự được bình yên lâu dài, không còn dịch bệnh hoành hành, cầu mong mọi người làm ăn được phát đạt”.

Thực hiện tốt chính sách quan tâm đến bà con người dân tộc, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Cần Thơ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành mỗi năm đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc Tết Chol Chnam Thmay đến các sư sãi, ban quản trị các chùa và người dân tộc Khơme…

Một số hình ảnh vui tết của người dân tộc Khơme tại xã Thới Xuân trong năm 2021:

a1-nguoi-dan-khmer-nau-banh-tet-dem-giao-thua.jpg
Người dân Khơme nấu bánh tét đêm giao thừa - Ảnh: Kim Cương
a2-cung-giong-nhu-nguoi-kinh-moi-dip-tet-truyen-thong-moi-gia-dinh-nguoi-khmer-deu-nau-banh-de-chung-tet.jpg
Cũng giống như người Kinh, mỗi dịp tết truyền thống mỗi gia đình người Khơme đều nấu bánh để chưng tết- Ảnh: Kim Cương
a3-ba-con-ca-hat-nhay-mua-voi-dieu-nhay-truyen-thong-trong-thoi-khac-chuyen-giao-giua-nam-cu-va-nam-moi..jpg
Bà con ca hát, nhảy múa với điệu nhảy truyền thống trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới - Ảnh: Kim Cương

a4-chua-settodor.jpg
Chùa Settodor- Ảnh: Kim Cương
a5-ba-con-di-chua-dang-cung-le-vat.jpg
Bà con đi chùa dâng cúng lễ vật- Ảnh: Kim Cương
a6-di-chua-dang-le-nghe-kinh-la-net-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-khmer-trong-moi-dip-tet..jpg
Đi chùa dâng lễ, nghe kinh là nét văn hóa truyền thống của người Khơme trong mỗi dịp tết - Ảnh: Kim Cương
a7-chua-gan-lien-voi-nguoi-khmer-nen-tet-den-viec-len-chua-cung-duong-se-keo-dai-ca-3-ngay-tet..jpg
Chùa gắn liền với người Khơme, nên tết đến việc lên chùa cúng sẽ kéo dài cả 3 ngày tết - Ảnh: Kim Cương
a8-su-cung-voi-ba-con-tung-kinh-cho-ngay-dau-nam-moi..jpg
Sư cùng với bà con tụng kinh ngày đầu năm mới - Ảnh: Kim Cương

Kim Cương