Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine tự vệ và chuẩn bị trừng phạt Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 12:51, 15/04/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) từ hôm 14.4 để thảo luận về các vấn đề Afghanistan và việc quân đội Nga di chuyển gần biên giới phía Đông Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, ông Austin khẳng định Mỹ "cam kết hỗ trợ Ukraine về các nhu cầu tự vệ" và tiếp tục hỗ trợ vật chất cho Ukraine nhưng không tiết lộ chi tiết.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau đó cũng kêu gọi Nga rút bớt quân ra khỏi biên giới Ukraine để "hạ nhiệt" tình hình.
“NATO hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang ngay lập tức, ngừng các hành động khiêu khích gây hấn và tôn trọng các cam kết quốc tế”, ông Stoltenberg nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự khi thực hiện cuộc điện đàm bàn về tình hình Ukraine. Hai nhà lãnh đạo Đức, Mỹ đều rất quan ngại việc Nga tăng cường hiện diện ở bán đảo Crimea và các khu vực biên giới tiếp giáp với Ukraine, bày tỏ quan điểm rằng Nga nên giảm bớt các đợt điều quân.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Anne Linde, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow quan tâm đến việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước đó, các ngoại trưởng của nhóm G7 và Đại diện Cấp cao về Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell, bày tỏ lo ngại về hoạt động di chuyển của các lực lượng vũ trang Nga ở biên giới với Ukraine và ở Crimea, đồng thời kêu gọi giảm leo thang.
Trong khi đó, giới chức Nga mô tả tình hình ở biên giới với Ukraine là "đáng sợ" và tuyên bố sẽ tăng cường an ninh để đối phó với sự gia tăng hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bất chấp thỏa thuận hòa bình Minsk, các vi phạm ngừng bắn vẫn tiếp diễn ở Đông Nam Ukraine.
Mỹ hủy kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đen
Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ về việc hủy kế hoạch điều tàu chiến đến Biển Đen nhưng không cho biết lý do. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đưa tin, không có thông báo mới của Washington được chuyển đến Ankara về lịch trình điều tàu chiến đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nguồn tin, giới chức Mỹ cho rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã hiểu nhầm thông báo ban đầu và việc điều tàu chiến đến Biển Đen chưa được xác nhận. Họ cho biết, Washington thường xuyên thông báo cho Ankara về khả năng tiếp cận Biển Đen, nhưng đây chỉ được coi một lời đề nghị về mặt ngoại giao và không có nghĩa là sẽ diễn ra đúng như thực tế.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định Washington sẽ điều hai tàu chiến đến Biển Đen. Thông tin này đã khiến Nga cho đó là hành động mang tính khiêu khích của Mỹ. Hải quân Nga bắt đầu tập trận ở Biển Đen với các bài tập bắn mục tiêu trên mặt đất và trên không từ 14.4.
Mỹ chuẩn bị trừng phạt thêm Nga
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho hay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15.4 có thể sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga liên quan tới căng thẳng với Ukranie.
Theo đó, Washington dự kiến sẽ trừng phạt 12 cá nhân gồm các quan chức chính phủ và tình báo của Nga, cùng với 20 cơ quan, tổ chức thuộc quản lý của Moscow, đồng thời trục xuất ít nhất 10 nhà ngoại giao của Nga.
Đây có thể được xem là động thái cứng rắn tiếp theo của chính quyền ông Biden với Nga chỉ trong vòng vài tháng sau khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 1.
Đầu tháng trước, Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt với 7 quan chức cấp cao và 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất sinh học và hóa học của Nga. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng toàn bộ tài sản liên quan đến 7 quan chức này trên lãnh thổ Mỹ, đồng thời cấm công dân Mỹ giao dịch với họ. Lệnh trừng phạt nhằm đáp trả cáo buộc Nga liên quan đến nghi vấn đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
Trước đó, các đợt trừng phạt mới nhất của Mỹ đã được ban hành nhằm phản ứng với nghi vấn đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ hồi cuối năm ngoái.
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Biden đã đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo hôm 13.4.
Nhà Trắng cho biết, trong cuộc cuộc điện đàm, lãnh đạo Mỹ và Nga đã nói về “một số vấn đề khu vực và toàn cầu” như Nga bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức của Mỹ. Ông Biden cũng nêu quan ngại về hoạt động quân sự gần đây của Nga gần Ukraine và ở Crimea.
“Tổng thống Biden khẳng định cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Nhà Trắng cho biết. Còn theo Điện Kremlin, khi trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Putin đã vạch ra các cách tiếp cận để giải quyết vấn đề dựa trên gói biện pháp Minsk - các thỏa thuận hướng tới giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine.