Vụ án Gang thép Thái Nguyên: 'Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương'
Sự kiện - Ngày đăng : 13:48, 15/04/2021
Sáng 15.4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên - TISCO), luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng việc đánh giá vai trò của bị cáo Mừng trong vụ án là chưa thỏa đáng, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Trọng Mừng từ 10 - 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
VKS nhận định bị cáo Trần Trọng Mừng có vai trò chính, là người chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội tại TISCO. Cụ thể, với quyền hạn là Tổng giám đốc TISCO (chủ đầu tư), bị cáo Mừng chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án, là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thực hiện dự án.
Khi nhà thầu là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng, bị cáo Mừng phải có biện pháp chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để giải quyết đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, theo VKS, bị cáo Mừng không những không thực hiện như trên mà còn chỉ đạo đàm phán với MCC để tách phần C ra khỏi hợp đồng; ký các văn bản đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C của hợp đồng; giới thiệu và chấp thuận VINAINCON không đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C theo đơn giá; chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý chi phí phần C của hợp đồng không có cơ sở pháp lý, không đúng Hợp đồng EPC số 01.
Qua phân tích, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng TISCO là doanh nghiệp có vốn nhà nhà nước; tuy giữ vai trò chủ đầu tư đối với dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, song khi đi vào trách nhiệm cụ thể, có những vấn đề TISCO vẫn phải xin ý kiến HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), và có cả trường hợp phải xin ý kiến của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương khi giới thiệu VINAINCON tới các bị cáo để họ chọn đơn vị này làm nhà thầu phụ.
Về vấn đề này, tại phần xét hỏi sáng 14.4, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện VINAINCON cho biết khi tham gia gói thầu, VINAINCON được xác định là một trong những nhà thầu lớn nhất tại thời điểm đó của Việt Nam. VINAINCON đã tham gia vào nhiều dự án lớn và hoàn toàn đáp ứng được việc tham gia dự án này.
Về phía Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Bộ Công Thương cho rằng Bộ giới thiệu nhà thầu phụ VINAINCON, nhưng chấp nhận hay không là ở chủ đầu tư.