Mỹ lo ngại thiết kế vi mạch vũ khí lọt vào tay Trung Quốc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:23, 16/04/2021
Theo Reuters, bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo của hai nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton và Michael McCaul được gửi ngày 13.4 và được công bố ngày 15.4. Bộ Thương mại Mỹ xác nhận bà Gina Raimondo đã nhận được thư của các nghị sĩ.
Trong thư, các nghị sĩ muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra các biện pháp tương tự như đã áp dụng đối với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump. Một trong số các biện pháp là yêu cầu các nhà cung cấp cho Huawei, kể cả bên thứ 3 và đặt nhà máy tại nước ngoài, phải xin phép Mỹ nếu muốn bán các công nghệ, chất bán dẫn có yếu tố trí tuệ Mỹ.
Nhóm nhà lập pháp kiến nghị, quy định với riêng Huawei nên được áp dụng với tất cả công ty Trung Quốc đang sản xuất chip 14nm trở xuống. Đây là những loại chip tiên tiến có thể làm thay đổi cuộc chơi nên đang được nhiều công ty Trung Quốc theo đuổi nghiên cứu, sản xuất.
Nếu được áp dụng, quy định sẽ buộc các công ty Mỹ phải xin phép theo quy trình siết chặt hơn nếu muốn bán các phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) cũng như vi mạch cho công ty Trung Quốc.
"Quy định như thế đảm bảo những công ty Mỹ, cũng như các công ty từ các nước đối tác và đồng minh, sẽ không thể bán cho Trung Quốc những dây thừng mà họ sẽ dùng để treo cổ tất cả chúng ta", hai nghị sĩ Cộng hòa cho biết trong thư.
Bên cạnh đó, hai nhà lập pháp Cotton và McCaul cũng thúc giục chính quyền của Tổng thống Joe Biden có các biện pháp ngăn chặn những nhà sản xuất thứ 3 sử dụng công nghệ có trí tuệ Mỹ để sản xuất chip do Trung Quốc thiết kế.
Họ lập luận rằng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển khí động học Trung Quốc (CARDC), một đơn vị nghiên cứu vũ khí bội siêu thanh do quân đội Trung Quốc (PLA) điều hành, đã mua các phần mềm EDA từ công ty Phytium Technology. Trước đó, Phytium và 6 thực thể khác quản lý siêu máy tính của Trung Quốc đã bị Washington đưa vào danh sách đen với cáo buộc hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, nghiên cứu hoặc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
“Chúng tôi nhận thấy nguy cơ lớn khi Bộ Thương mại cho phép công nghệ trọng yếu như thế của Mỹ có thể được dùng để thiết kế vũ khí nhằm vào các binh sĩ Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, các nghị sĩ Mỹ cho biết.
Một đại diện của Bộ Thương mại đã xác nhận với Reuters về lá thư và khẳng định cơ quan này liên tục xem xét liệu các biện pháp đã được áp đặt đối với những thực thể Trung Quốc có phát huy tác dụng hay không. Cũng theo vị quan chức này, nếu các biện pháp đã sử dụng không hiệu quả, chính quyền Biden có thể áp dụng thêm các biện pháp khác.