Sự trở lại của văn học miền Nam: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng
Văn hóa - Ngày đăng : 13:18, 16/04/2021
Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) là một phần không thể tách rời trong dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam. Trong 20 năm tồn tại và phát triển, văn học miền Nam tạo nên những điểm riêng biệt đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà.
Do biến cố của thời cuộc, sau năm 1975, văn học công khai miền Nam ít xuất hiện trước công chúng. Gần đây, việc in ấn lại một số tác phẩm thuộc nhiều thể loại từng được phổ biến ở miền Nam trước tháng 4.1975, bắt đầu sống lại.
Trong số các tác giả và tác phẩm được phổ biến trở lại đáng chú là vào năm 2012 tập truyện Lạc đạn, Nhăn rúm, Nhà có cửa khóa trái của nhà văn Trần Thị NgH. Năm 2014 Nhã Nam và NXB Hồng Đức ấn hành tập sách Mặc khách Sài Gòn của Tô Kiều Ngân, một hồi ký khái quát chân dung và sự nghiệp của 15 gương mặt văn nhân, thi sĩ nổi tiếng trong giới văn nghệ miền Nam gồm Nguyễn Vỹ, Lê Thương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tạ Tỵ, Bùi Giáng, Mai Thảo, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thiên Thư.
Năm 2017, 10 bộ truyện của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ in ở miền Nam trước 1975 được tái ngộ độc giả. Đầu 2018, bộ đôi tiểu thuyết Tuổi nước độc và Sợi tóc tìm thấy của nhà văn Dương Nghiễm Mậu cũng đã đến tay công chúng.
Và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết vừa được đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không dứt ở miền Nam trước đây là Vòng tay học trò cùng 4 tác phẩm Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh của nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã được phát hành trở lại vào tháng 4.2021.
Sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cùng tác phẩm Vòng tay học trò của bà tại thời điểm này đã tạo nên những chú ý trong đời sống văn chương hiện đại.
Sau 46 năm, cuốn sách Vòng tay học trò có thể là cánh cửa để mở ra cho độc giả một phần nào đó cảm nhận được dòng chảy hiện sinh trong nguồn mạch văn học miền Nam thời đó. Vòng tay học trò khiến nhiều người mê đắm bởi nó phản ảnh trực tiếp những tâm tư tình cảm của người miền Nam trước một tương lai đầy bất định khi đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Tâm trạng đó khiến cho họ phải phân vân trước nhiều lựa chọn hoặc là chấp nhận, hoặc là nổi loạn như nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng.
Tác giả Vòng tay học trò viết: “Chúng mình là những cái bóng thoắt hiện phút giây, diễm ảo và mong manh. Nắng sẽ tắt, ngày rồi tàn vơi. Mỗi con người, tôi và em chỉ được một giây phút hiện tại, sau đó là hoài niệm, là lời van xin tuyệt vọng. Một thái độ bi quan bất lực”.
Nhận xét chung về dòng chảy văn học hiện sinh tại miền Nam giai đoạn 1954-1975, TS Hà Thanh Vân viết: “Không thể phủ nhận tên tuổi của những nhà văn như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Doãn Quốc Sỹ… đã có sức ám gợi đối với cả một thế hệ một thời. Có được sức ám gợi đó, bởi vì tiểu thuyết với ưu điểm của đặc trưng thể loại đã chuyển tải được sinh động những vấn đề của thân phận con người thông qua những hình tượng văn học cụ thể. Có thể nói, chính tiểu thuyết đã đưa những vấn đề của triết học hiện sinh trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi đến với đông đảo công chúng miền Nam thời đó.
Tọa đàm: Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam
Ngày 19.4 tới, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Khoa Viết văn - báo chí Trường đại học Văn hóa tổ chức tọa đàm chủ đề “Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Trường hợp Nguyễn Thị Hoàng”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, TS Trần Thiện Khanh - Phó viện trưởng Viện Văn học, PGS- TS Đỗ Lai Thúy (Viện Nhân học văn hóa), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn học), TS Trần Ngọc Hiếu (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), PGS-TS Trương Đăng Dung (Viện Văn học), TS Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội); cùng các giảng viên và sinh viên Khoa Viết văn - báo chí, Trường đại học Văn hóa.