Cuộc đua về chip của chính quyền Biden với Trung Quốc sẽ gây thêm bất ổn toàn cầu
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:31, 17/04/2021
Tổng thống Joe Biden có thể không nhận ra điều đó, nhưng khi định nghĩa con chip máy tính nhỏ bé mà ông cầm cách đây 1 tháng 3 tuần là "móng ngựa của thế kỷ 21", ông chủ Nhà Trắng đã lặp lại logic của cụm từ chính sách mới nhất từ Trung Quốc là "cơ sở hạ tầng mới".
Tuyên bố của ông Biden là dấu hiệu nữa cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc dường như nhận ra rằng trong thời đại thông tin ngày nay, việc xác định lại "cơ sở hạ tầng" là rất quan trọng.
Không có gì nhấn mạnh điều đó tốt hơn quyết định từ Biden rót 50 tỉ USD vào sản xuất chất bán dẫn của Mỹ (ngoài 22 tỉ USD đã được dành cho mục đích tương tự trong Đạo luật CHIPS cho Mỹ do Quốc hội đề xuất) như một phần trong đề xuất cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ USD của ông. Tương tự Trung Quốc, kế hoạch của ông Biden sẽ cung cấp các khoản giảm thuế, trợ cấp và tài trợ R&D (nghiên cứu và phát triển) cho ngành bán dẫn với mục đích tăng cường năng lực trong nước.
Các chiến thuật cạnh tranh của Trung Quốc có thể sẽ thắng, nhưng Mỹ có cơ hội tốt hơn nhiều để nhanh chóng tăng năng lực sản xuất chất bán dẫn của mình tương đối dễ dàng.
Với việc Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đang nỗ lực tăng cường sản xuất chip, chính quyền Biden có thể sửa chữa các lỗ hổng đã lộ ra ở một trong những liên kết quan trọng nhất của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải gánh chịu chi phí khi làm phức tạp thêm chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu vốn đã căng thẳng.
Bất chấp lời hùng biện gây hoang mang của Biden: "Trung Quốc và phần còn lại của thế giới không chờ đợi", Mỹ vẫn là nước dẫn đầu tuyệt đối về chất bán dẫn với lợi nhuận lớn. Các công ty có trụ sở tại Mỹ chiếm thị phần lớn nhất (47%) chất bán dẫn toàn cầu vào năm 2020. Xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ trị giá 49 tỉ USD, xếp thứ 4 trong danh sách các sản phẩm bán ra nước ngoài năm ngoái. Mỹ cũng chiếm ưu thế trong lĩnh vực thiết kế chip, phần mềm thiết kế chip và tài sản trí tuệ thiết yếu cũng như thiết bị và công cụ bán dẫn.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đối mặt với thách thức nghiêm trọng khi dẫn đầu về chất bán dẫn. Vào đầu những năm 1980, các công ty tại Mỹ đã mất 19% thị phần bán dẫn trên thế giới sau khi các công ty Nhật Bản đạt được những thành công lớn, đặc biệt là với DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động), bộ vi xử lý.
Song sau thỏa thuận thương mại bán dẫn Mỹ - Nhật năm 1986 gây tranh cãi, viên ngọc quý trên đỉnh cao ngành công nghiệp Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu vào 1997. Những động thái của ông Biden nhằm thổi luồng sinh khí mới vào ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, nếu được thông qua, sẽ giúp tăng tỷ trọng năng lực sản xuất chip toàn cầu của Mỹ, vốn đã giảm từ 37% năm 1990 xuống chỉ còn 12% hiện nay.
Tương tự, mô hình phát triển toàn quốc của Trung Quốc cũng có khả năng làm tăng tỷ trọng năng lực sản xuất chip toàn cầu cho nước này, nhưng với tốc độ chậm hơn và từ số cơ sở ít ỏi.
Thị phần sản xuất vi mạch tích hợp của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 5,7% năm ngoái lên 7,5% vào 2025. Cơ hội cho EU tăng gấp đôi năng lực sản xuất chip lên 20% thị phần toàn cầu vào năm 2030 là không chắc chắn.
Sự đa dạng hóa toàn cầu như vậy sẽ làm giảm rủi ro nguồn cung do sản xuất chất bán dẫn tập trung ở châu Á, một thực tế được nhấn mạnh bởi sự gián đoạn do tình trạng thiếu chip toàn cầu hiện nay và giá tăng. Tuy nhiên, đa dạng hóa sẽ phải trả giá bằng việc tăng thêm tính không chắc chắn cùng với tính dễ bị tổn thương có thể dẫn đến các chu kỳ thị trường biến động hơn.
Với việc ba khu vực kinh tế lớn nhất thế giới đang cạnh tranh để tăng thị phần và đua nhau xây dựng thêm các nhà máy sản xuất chip, có thể sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá khả năng sản xuất chip.
Xét cho cùng, lĩnh vực bán dẫn nổi tiếng có tính chu kỳ, với những biến động của chu kỳ kinh doanh thường xuyên lặp lại. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, mức sử dụng công suất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm xuống còn 68% vào năm 2008 và sau đó là 57% vào 2009, giảm so với mức trung bình của ngành là khoảng 90%. Nếu đợt suy thoái kinh tế tiếp theo trùng với đỉnh công suất trong khoảng thời gian 5 năm thì có thể là thảm họa cho ngành.
Việc xây dựng khả năng tự cung tự cấp khi nói đến chuỗi cung ứng sản xuất chip cũng sẽ rất tốn kém, đòi hỏi khoản đầu tư trả trước khoảng 1.000 tỉ USD, có thể làm tăng giá chip lên tới 65%. Giá chip cao hơn cũng có nghĩa là giá sản phẩm cuối cùng cũng cao hơn. Đó là lý do người mua đột nhiên phải trả nhiều tiền hơn cho những chiếc ô tô.
Câu đặt ra là “Làm thế nào để ngành công nghiệp bán dẫn vẫn có thể hoạt động trong một thế giới mà niềm tin đã bị phá vỡ?”.
Khoản tiền 50 tỉ USD mà ông Biden đề xuất cho các ưu đãi liên bang trong lĩnh vực chip của Mỹ dựa trên ý tưởng rằng nhu cầu về chip trong các ứng dụng quan trọng về quốc phòng, hàng không vũ trụ, mạng viễn thông, năng lượng và an ninh phải được đáp ứng bằng năng lực trong nước. Thế nhưng, Mỹ sẽ làm gì nếu cho rằng các ứng dụng khác cũng quan trọng?
Trung Quốc đang xây dựng một chuỗi cung ứng chip phi Mỹ hóa, đặt các công ty bên thứ ba vào thế khó. Môi trường hoạt động của các công ty trong ngành trên toàn thế giới thậm chí còn trở nên phức tạp hơn. Tất cả những điều đó dẫn chúng ta đến một tương lai với những ẩn số lớn hơn.