Đừng sợ lỡ cuộc chơi - Nỗi sợ bỏ lỡ và tham vọng ở Thung lũng Silicon
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:15, 17/04/2021
Bong bóng tài sản bắt đầu và kết thúc theo cùng một cách
Trước khi giá cả tăng vọt, những tín đồ chân chính lẫn các nhà đầu tư thông minh ùa vào thị trường, bắt đầu đẩy giá cả và hồ sơ công khai của một khoản đầu tư lên cao. Đột nhiên, việc kiếm tiền trở nên cực kỳ dễ dàng. Bạn bắt đầu nghĩ rằng nếu không nhanh tay thì sẽ bỏ lỡ cơ hội làm giàu nhanh chóng. Bạn bị cảm giác FOMO (viết tắt của cụm từ Nỗi sợ bỏ lỡ - Fear of Missing Out) Khao khát và lòng tham dẫn dắt, nên tính khắt khe và lý trí cũng phải đầu hàng.
Đó là những người mua bitcoin ngay sau khi nghe lời giới thiệu của một đứa cháu trai, những người mua vàng sau khi xem quảng cáo trên kênh tin tức yêu thích, hoặc ai đó, quyết định đâm đầu vào thị trường đầu cơ chỉ dựa vào một bài podcast. Hãy cẩn thận, cảm giác bầy đàn đã tiến đến với bạn rồi đấy.
Sau FOMO Khao khát, nhóm người bị cảm giác FOMO Bầy đàn kích thích lao vào thị trường đầu tư, kinh nghiệm thông thường cho thấy những “đồng tiền thông minh”, tức là của các nhà đầu tư dày dạn, là chuyên gia trong lĩnh vực đó, sẽ từ từ được rút ra. Họ lặng lẽ thoái lui, để lại thị trường cho bầy đàn bị dụ dỗ. Cuối cùng, bong bóng tài sản vỡ, những nhà đầu tư là nạn nhân của FOMO – những người mua tài sản muộn và có tính đầu cơ tích trữ – bị bỏ lại để thu dọn tàn cuộc.
Giá như trước khi bỏ tiền đầu tư, họ xem xét lại vô số bong bóng tài chính tương tự đã xuất hiện trong lịch sử, từ vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 đến sự kiện bong bóng thú nhồi bông Beanie Babies trong những năm 1990 – và nhận ra rằng họ cũng chỉ là những “con chốt thí” bị chơi đùa.
Bạn không thể cứ mãi “nhắm mắt làm liều”
Cho dù bạn không bị FOMO tác động thì vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích. Giả sử bạn là một nhà đầu tư tỉnh táo và khôn ngoan, bạn sẵn sàng từ chối nếu nhận được cơ hội đầu tư không phù hợp. Mặc dù lý do khước từ của bạn có thể rất chính đáng, nhưng việc đứng ngoài cuộc chơi trong khi bạn bè xung quanh gặt hái thành công lớn sẽ khiến bạn khổ sở và hứng chịu nhiều lời chỉ trích, nhất là từ những người thuộc bầy đàn đó.
Năm 1999, tạp chí Barron’s đã đăng một bài báo với tựa đề là “What’s Wrong, Warren” (tạm dịch: Warren bị gì vậy) phê phán Warren Buffett vì ông không chạy theo bong bóng internet. Bài báo chê bai Buffett quá lỗi thời, “bảo thủ, thậm chí đi sau thời đại” vì ông đã không “bắt kịp” lĩnh vực công nghệ ở tuổi bảy mươi. Bây giờ nhìn lại, Barron’s hẵn sẽ muốn chôn bài báo đó xuống tận hố sâu, khi chỉ số thị trường chứng khoán Nasdaq cuối cùng sụt giảm 87% trong vài năm kế tiếp. Như Buffett đã chứng minh, nếu muốn thành công lâu dài, bạn nên chuyên tâm vào một lĩnh vực và đầu tư dựa trên phân tích chứ đừng chạy theo cảm xúc.
Mặc dù sự thận trọng rốt cuộc sẽ giúp bạn tránh được một bàn thua trông thấy giống như Buffett, nhưng bạn vẫn có thể phạm sai lầm trong trường hợp khác. Đó là khi bạn từ chối một cơ hội nghề nghiệp nhưng rồi nó lại trở nên thú vị… đối với người khác. Nếu muốn thoát khỏi cạm bẫy của sự ghen tị hay hối hận thì bạn cần phải điều chỉnh lại cách nhìn nhận tình huống. Dù trong quá khứ bạn đã thành công như thế nào thì bạn vẫn phải nhớ rằng đừng bao giờ “nhắm mắt làm liều”.
Do đó, một yêu cầu để vượt qua cảm giác FOMO là bạn phải chấp nhận thực tế rằng đôi khi bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời. Nói thì dễ, làm mới khó. Đó là lý do tại sao bạn nên tôn trọng một công ty đầu tư mạo hiểm như Bessemer Venture Partners. Ngoài việc liệt kê những vụ đầu tư thành công của họ như Staples và LinkedIn trên trang web, Bessemer còn nhấn mạnh “danh mục không đầu tư” – danh sách các công ty mà Bessemer từng có cơ hội rót vốn nhưng đã bỏ qua, như Google và Facebook.
FOMO không phải là một chiến lược đầu tư
Một chiến lược do FOMO thúc đẩy không chỉ tác động đến việc ra quyết định đầu tư vào những bong bóng mạ vàng của Thung lũng Silicon mà còn có thể khiến các nhà lãnh đạo hoài nghi về niềm tin và các công ty thì bị lạc lối. Đối với bong bóng đầu cơ, sự thay đổi công nghệ cũng ảnh hưởng đến cách vận hành và định vị của các doanh nghiệp trên thị trường. Dường như chỉ sau một đêm, những người chơi từng thống trị trên thương trường sẽ phải đối mặt với những tên tuổi mới nổi, khi các ý tưởng sáng tạo trở nên cũ rích và sự hoảng loạn, bất ổn xâm chiếm những nơi mà sự ổn định từng ngự trị.
Đây là thời điểm mà các công ty phải chịu đựng cảm giác FOMO. Để tìm ra con đường đi tiếp, họ quan sát xung quanh và cố gắng theo kịp bằng bất cứ cách nào có thể. Họ bất chấp mọi nguy cơ nhưng cuối cùng cũng va phải thực tế phũ phàng.
Theranos, tập đoàn được săn đón một thời ở Thung lũng Silicon tuyên bố rằng mình sở hữu một loại công nghệ có thể xét nghiệm hàng trăm loại bệnh chỉ bằng một giọt máu. Đầu tiên, người sáng lập công ty, Elizabeth Holmes thắp lên ngọn lửa FOMO Khao khát bằng cách sử dụng hiệu ứng lan truyền thông tin, tạo ra ảo tưởng chắc chắn về viễn cảnh công ty nhất định sẽ thành công. Khi công ty phát triển, cô tăng gấp đôi hiệu ứng lan truyền bằng cách tuyển dụng các cựu thư ký nội các và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vào ban điều hành của Theranos. Đó là lúc FOMO Bầy đàn tác động vào bức tranh.
Khi những người giàu có và quyền lực lên tiếng, dù chẳng ai trong số những nhân vật đáng ngưỡng mộ này có chuyên môn khoa học, họ vẫn lôi kéo được nhiều người quyền lực khác, gồm cả nhà đầu tư và nhà truyền giáo. Không chỉ thành công trong việc huy động tiền mặt, Theranos còn tìm cách duy trì mối quan hệ đối tác chuyển đổi với các công ty như Safeway và Walgreens bằng cách lợi dụng FOMO của họ.
Xét về khía cạnh nào đó, kế hoạch của Holmes hoàn hảo đến mức cô biến tất cả thành kẻ ngốc, và trong một khoảnh khắc tỏa sáng, cô đã lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Sau đó, sơ hở bắt đầu xuất hiện, công nghệ thất bại, và cuối cùng những người trong vòng ảnh hưởng bắt đầu đặt nghi vấn. Họ nhận ra mình đã bị lừa. Holmes nhanh chóng bị lộ tẩy, chỉ trong một năm, giá trị tài sản ròng của cô giảm từ 4,5 tỷ đô-la xuống gần bằng 0.
Mặc dù xét về nhiều khía cạnh, thất bại của Theranos là sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử kinh doanh, nhưng việc FOMO góp phần vào quỹ đạo hoạt động của công ty thì chẳng có gì lạ. Mặc dù nỗi lo sợ bỏ lỡ chắc chắn không phải là lý do hấp dẫn để lôi kéo đầu tư, nhưng nó có thể biến những người sáng suốt thích bỏ vốn vào các công ty khởi nghiệp để kiếm lời thành một bầy đàn FOMO sapiens huyên náo.
Các cổ đông của công ty trà đá/tiền điện tử đầu tiên trên thế giới đã học được bài học cay đắng rằng FOMO không phải là một chiến lược đầu tư.
Theo Đừng sợ lỡ cuộc chơi