Nền kinh tế Trung Quốc trong Quý 1 tăng trưởng 18,3% hay chỉ có... 0,6%
Quốc tế - Ngày đăng : 14:14, 17/04/2021
Quý 1 có đẹp như tranh vẽ?
Đúng là nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1 năm nay đã tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cần nhớ con số này là tăng trưởng so với quý đầu năm 2020, khi các nhà máy và cửa hàng đóng cửa và hoạt động sụt giảm. Quý 1 năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 6,8%, con số tồi tệ nhất kể giữa những năm 1960.
Để có cái nhìn rõ hơn về tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 1 năm 2021 thì hãy so với quý cuối cùng của năm 2020, khi Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi. Con số tăng trưởng đó chỉ là 0,6%, một trong những mức yếu nhất của thập kỷ qua.
Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết các số liệu mới nhất “che giấu sự suy giảm mạnh” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi kích thích chi tiêu và tín dụng dễ dàng bị hạn chế. Evans-Pritchard nói: “Sự phục hồi sau COVID-19 của Trung Quốc đang chững lại”.
Sản xuất, bán ô tô và chi tiêu của người tiêu dùng đã phục hồi lên trên mức trước đại dịch kể từ khi Trung Quốc tuyên bố họ đã chiến thắng coronavirus vào tháng 3 năm ngoái và cho phép các nhà máy và cửa hàng mở cửa trở lại. Các nhà hàng và trung tâm mua sắm đang lấp đầy, cho dù du khách vẫn phải bị kiểm tra xem có bị nhiễm vi rút hay không.
Trong một báo cáo, Cục Thống kê Quốc gia cho biết nền kinh tế “đã có hoạt động ổn định với nền tảng được củng cố và đà tăng trưởng tốt”. Các nhà dự báo kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ít nhất 7% trong năm nay nhưng cho rằng triển vọng của Trung Quốc bị thách thức bởi căng thẳng thương mại với Washington. Ngoài ra rào cản cho nền kinh tế Trung Quốc là sự gián đoạn nguồn cung chip xử lý cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các ngành công nghệ khác mà Bắc Kinh đang dựa vào để thúc đẩy sự tự cường kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào thương mại.
Trông cậy vào chi tiêu nội địa
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phục hồi vào quý 2 năm 2020, khi nền kinh tế tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ 2019. Con số này đã tăng lên 4,9% trong quý 3 và 6,5% trong ba tháng cuối năm.
Trong cả năm, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 2,3%, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong lúc Châu Âu và Nhật Bản phải vật lộn với những đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nhà dự báo khu vực tư nhân kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ lên trên 8% dù mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là "trên 6%."
Dữ liệu của chính phủ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng, một trụ cột trong kế hoạch giảm phụ thuộc vào xuất khẩu của đảng cầm quyền, đang tăng tốc trong khi tăng trưởng sản lượng từ các nhà máy và dòng vốn đầu tư đang chậm lại.
Chi tiêu bán lẻ đã tăng 34,2% trong tháng 3, tăng từ 33,9% trong cả quý đầu tiên. Sản lượng nhà máy tăng 24,5% trong quý đầu tiên trong khi đầu tư vào bất động sản, nhà xưởng và tài sản cố định khác tăng 25,6%.
Chi tiêu vào nhà hàng trong quý đầu tiên đã tăng 75,8% so với cùng kỳ năm trước, thời kỳ mà hầu hết các nhà hàng đều đóng cửa trong nhiều tuần. Thương mại điện tử cũng tăng 29,9%.
Xuất khẩu tháng 3, được báo cáo trước đó, tăng 30,6% so với một năm trước đó khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu hồi sinh. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 53,6% bất chấp việc tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại do Trump phát động.
Chaoping Zhu của JP Morgan Asset Management cho biết tăng trưởng hàng quý so với quý trước sẽ ổn định ở mức 1% -2%. Pang đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm từ 7% lên 8,2%
Tuy nhiên, một số cảnh báo rằng sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn vì nhu cầu toàn cầu suy giảm khi một số chính phủ tái áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch bệnh dẫn đến gián đoạn hoạt động kinh doanh và thương mại.
Các gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc đang gặp khó bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn chặn quyền truy cập vào chip và công nghệ khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông muốn quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh nhưng vẫn chưa cho biết liệu ông có thu lại các lệnh trừng phạt hay hạ hàng rào thuế quan mà người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc hay không.