Trung Quốc nỗ lực lôi kéo đồng minh phá vỡ liên minh của Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 15:27, 19/04/2021
Theo Reuters, các nhà ngoại giao và phân tích cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy hợp tác với các nền dân chủ để cứng rắn hơn với một Trung Quốc đang trỗi dậy, quyết đoán hơn trên toàn cầu trong nhiều vấn đề từ nhân quyền cũng như các vấn đề an ninh khu vực như, Đài Loan, Biển Đông…
"Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc phía Mỹ tham gia vào chính trị theo đường lối ý thức hệ và kết hợp để hình thành các bè phái chống Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan thấy rõ lợi ích của chính họ... và không bị coi là công cụ chống Trung Quốc của Mỹ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với Reuters.
Sau các cuộc đàm phán đầy sóng gió vào tháng trước giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Anchorage (Alaska, Mỹ), Bắc Kinh dường như đang đẩy mạnh quan hệ hơn với các quốc gia như Nga, Iran và Triều Tiên, những nước đang hứng chịu các đòn trừng phạt từ Washington.
"Trung Quốc rất lo lắng về chính sách ngoại giao liên minh của Mỹ", Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói, và nhận định Trung Quốc đang nỗ lực kết bè kéo cánh với các chính phủ bị phương Tây xa lánh.
Chỉ 2 ngày sau đối thoại cấp cao căng thẳng "nảy lửa" với phía Mỹ ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị bước vào cuộc gặp cho thấy sự đoàn kết với Moscow khi tiếp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Quan hệ của Trung Quốc và Nga với phương Tây đều ngày càng căng thẳng. Trong bối cảnh đó, quan hệ Nga - Trung được mô tả bằng những từ như "tốt nhất trong lịch sử". Giới chuyên gia đánh giá sự đoàn kết giữa Bắc Kinh - Moscow để đối đầu sức ép phương Tây là phản ứng không thể tránh khỏi.
Một tuần sau đó, hai ngoại trưởng Trung Quốc và Iran ngày 27.3 đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm, bao gồm nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực quan trọng. "Quan hệ của chúng tôi với Iran không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại, mà sẽ lâu dài và mang tính chiến lược", ông Vương Nghị cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao đổi thông điệp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, kêu gọi quan hệ đối tác sâu rộng hơn với Triều Tiên, một quốc gia có tham vọng về vũ khí hạt nhân.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang ra sức lôi kéo các nước láng giềng phụ thuộc kinh tế của mình. Ngoại trưởng Vương Nghị đã tiếp các ngoại trưởng Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc tại tỉnh Phúc Kiến ở vùng đông nam Trung Quốc trong những tuần gần đây.
Chuyên gia Li Ming Jiang cho biết Bắc Kinh sẽ đưa ra lời hứa giúp các nước này hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, khiến họ phải suy nghĩ kỹ về việc có nên đứng về phía Mỹ hay không.
Sau khi các nhà ngoại giao và tướng lĩnh Philippines chỉ trích Trung Quốc đưa tàu dân quân vào Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không để các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cản trở việc hợp tác với Trung Quốc về vắc xin và khôi phục kinh tế.
Chính quyền Biden đã tiếp tục gây áp lực với Bắc Kinh về nhiều vấn đề tương tự như chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng với một chiến lược tập trung vào liên minh hơn.
Tại cuộc gặp giữa Tổng thốn Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 16.4, lãnh đạo hai nước đã đưa ra tuyên bố chung về một mặt trận thống nhất chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng Trung Quốc trong hàng loạt các vấn đề từ tranh chấp trên biển Hoa Đông, Biển Đông, Đài Loan đến các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc như Hồng Kông và vùng Tân Cương.
Tháng trước, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp đối liên quan tới các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương của Trung Quốc. Hơn một chục quốc gia cũng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin từ cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Đức, Anh, Hà Lan, Canada và Pháp gần đây đều tham gia với Mỹ trong việc gửi tàu chiến qua Biển Đông, hoặc công bố kế hoạch làm như vậy.
Washington cũng cho biết họ muốn có "cách tiếp cận phối hợp" với các đồng minh về việc có tham gia Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh hay không, trong bối cảnh lo ngại về vi phạm nhân quyền, đặc biệt liên quan đến việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Trung Quốc đã đáp trả một cách giận dữ trước những thể hiện về sự đoàn kết của Mỹ và đồng minh, với việc các nhà ngoại giao “chiến lang” của họ gọi Nhật Bản là một “chư hầu” của Mỹ, coi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “tay sai” của Washington.
Chiến lược của Trung Quốc là nỗ lực làm suy yếu sự đoàn kết của Mỹ với các đồng minh bằng việc thúc đẩy lập trường đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, đồng thời sẵn sàng trừng phạt các nước nếu họ tham gia hành động chung chống lại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh đã đáp trả lệnh trừng phạt của EU đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương bằng các biện pháp trừng phạt đáp trả khắc nghiệt không tương xứng, có khả năng phá hủy một thỏa thuận đầu tư đã được chờ đợi từ lâu.
Janka Oertel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, tin rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế cho các lợi ích cốt lõi nếu họ bị liên minh Mỹ - EU đe dọa.
Trong cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng ông hy vọng "EU sẽ đưa ra phán quyết chính xác sự độc lập trong quyết định của mình".