Tương lai hơn 16.000 công nhân LG ở Hải Phòng được định đoạt
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:23, 20/04/2021
Theo kế hoạch, tập đoàn công nghệ khổng lồ Hàn Quốc sẽ hoàn thành việc chuyển đổi trong năm nay, đồng thời phân bổ lại các công nhân bị ảnh hưởng vì dây chuyền sản xuất điện thoại tạm dừng từ tháng 6.2021.
Jung Hai-jin, Chủ tịch LG Electronics tại Việt Nam, cho biết: “Việc loại bỏ sản xuất smartphone tại đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc danh mục sản phẩm thiết yếu của LG”.
“Việc LG đóng cửa mảng kinh doanh di động sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhân viên của LG tại Hải Phòng”, ông nói thêm.
LG Electronics khai trương dây chuyền sản xuất tại Hải Phòng vào năm 2015. Nhà máy này đang sản xuất các thiết bị gia dụng, smartphone và các bộ phận thông tin giải trí trên ô tô.
Nhà máy Hải Phòng hiện sử dụng hơn 16.000 công nhân.
LG Electronics cũng ám chỉ rằng sẽ đầu tư thêm vào nhà máy trong tương lai gần.
Hôm 14.4 vừa qua, đại diện LG tại Hải Phòng bác tin LG Electronics
đang rao bán nhà máy tại thành phố này với giá hơn 2.000 tỉ đồng và khẳng định các hoạt động của đây vẫn diễn ra bình thường.
"Cá nhân tôi thấy một số nơi đang đánh đồng nghĩ rằng nhà máy LG tại Việt Nam là nhà máy chỉ sản xuất điện thoại mà quên mất tại đây còn sản xuất đa dạng nhiều loại mặt hàng khác. Dây chuyền sản xuất điện thoại chỉ đóng một phần nhỏ trong nhà máy.
Thực tế, chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm các nhà xưởng để phục vụ nhu cầu sản xuất các ngành hàng khác. Trong trường hợp tạm dừng dây chuyền sản xuất điện thoại, chúng tôi cũng sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất những mặt hàng là thế mạnh của mình", đại diện LG tại Hải Phòng nói.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng, công nhân làm việc tại nhà máy LG vẫn đang làm việc ổn định. Đơn vị này chưa tiếp nhận thông tin nào về việc công nhân nhà máy phải nghỉ việc hay có những lo lắng liên quan thông tin rao bán nhà máy.
Mảng kinh doanh di động của LG Electronics lao dốc kể từ quý 2/2015. Bộ phận smartphone của LG đã ghi nhận khoản lỗ gần 6 năm với tổng trị giá khoảng 4,5 tỉ USD vào cuối năm ngoái.
LG Electronics cũng đang đàm phán với liên đoàn công nhân về dây chuyền sản xuất smartphone của hãng ở Brazil.
Tháng trước, LG Electronics thông báo sẽ từ bỏ mảng kinh doanh smartphone từ ngày 31.7 tới sau khi không tìm được người mua.
Các cuộc đàm phán để bán một phần doanh nghiệp cho Vingroup (Việt Nam) thất bại do sự khác biệt về các điều khoản, theo các nguồn thạo tin của Reuters.
Sản xuất điện thoại di động trong khoảng 1/4 thế kỷ, LG cuối cùng đã bị tụt lại phía sau các đối thủ Apple và Samsung Electronics, một phần do tiếp thị mờ nhạt và cập nhật phần mềm chậm.
Một số người nói rằng việc LG đóng cửa bộ phận smartphone là không thể tránh khỏi.
Quyết định rút lui của LG sẽ để lại 10% thị phần ở Bắc Mỹ, nơi hãng này là thương hiệu số 3 sau Samsung Electronics và Apple. Qua đó, Samsung dự kiến sẽ hưởng lợi.
“Tại Mỹ, LG đã nhắm mục tiêu đến các mẫu máy giá tầm trung - nếu không muốn nói là giá cực thấp - và điều đó có nghĩa là Samsung, công ty có nhiều dòng sản phẩm giá tầm trung hơn Apple, sẽ có khả năng thu hút người dùng LG tốt hơn”, theo Ko Eui- young, nhà phân tích tại Hi Investment & Securities.
Trong khi các thương hiệu đối thủ từ Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi không có nhiều sự hiện diện tại Mỹ, một phần do quan hệ song phương băng giá, các smartphone tầm thấp đến tầm trung Samsung sẽ hưởng lợi từ sự vắng mặt của LG.
Việc rút khỏi lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt sẽ cho phép LG tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng như linh kiện ô tô điện, thiết bị kết nối và nhà thông minh, hãng cho biết.
Trong thời kỳ tốt đẹp, LG đã sớm tung ra thị trường với một số cải tiến về điện thoại di động như camera góc siêu rộng. Ở đỉnh cao vào năm 2013, LG là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới sau Samsung và Apple. Song sau đó, các mẫu smartphone hàng đầu của hãng gặp phải các sự cố về cả phần mềm và phần cứng, kết hợp với việc cập nhật phần mềm chậm hơn đã khiến thương hiệu dần dần trượt dốc. Các nhà phân tích cũng chỉ trích LG thiếu chuyên môn trong lĩnh vực tiếp thị so với các đối thủ Trung Quốc.
Cũng rơi từ đỉnh cao, các thương hiệu di động nổi tiếng khác như Nokia, HTC và Blackberry vẫn chưa biến mất hoàn toàn.
Như vậy, LG trở thành thương hiệu smartphone lớn đầu tiên rút lui hoàn toàn khỏi thị trường.
Smartphone là mảng kinh doanh nhỏ nhất trong 5 bộ phận của LG Electronics, chỉ chiếm khoảng 7% doanh thu hãng này.
Tại Hàn Quốc, nhân viên của bộ phận smartphone sẽ được chuyển đến các doanh nghiệp và chi nhánh khác của LG Electronics, trong khi các quyết định khác về việc làm sẽ được thực hiện ở cấp địa phương.
Các nhà phân tích cho biết LG có kế hoạch giữ lại các bằng sáng chế công nghệ cốt lõi 4G và 5G cũng như các nhân viên R&D thiết yếu, đồng thời sẽ tiếp tục phát triển công nghệ truyền thông cho 6G. LG vẫn chưa quyết định có cấp phép tài sản trí tuệ như vậy trong tương lai hay không.
LG sẽ cung cấp hỗ trợ dịch vụ và cập nhật phần mềm cho khách hàng của các sản phẩm di động hiện có trong một khoảng thời gian sẽ khác nhau tùy theo khu vực.