Bé trai khò khè 2 tháng, bác sĩ tá hỏa phát hiện móc khóa dây kéo nằm gần bóng tim

Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:23, 23/04/2021

Chiếc móc khóa dây kéo bằng kim loại nằm ở phế quản, ngay cạnh bóng tim, các bác sĩ không dám nội soi gắp dị vật này ra ngoài buộc phải phẫu thuật mở lồng ngực.

Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) phát hiện dị vật nằm trong đường thở của bé trai 5 tuổi nên đã quyết định nội soi để lấy dị vật này ra ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình nội soi các bác sĩ phát hiện phế quản phải của bệnh nhi có mô viêm, dưới mô viêm có một khối dị vật, mật độ cứng, chắc dùng kìm không lấy ra được nên các bác sĩ quyết định ngưng nội soi và tiến hành hội chẩn đưa ra phương pháp xử lý khác.

Theo người nhà của bé trai, cách đây hơn 2 tháng, bé có biểu hiện ho, khò khè, khó thở , được điều trị và uống thuốc nhiều nơi nhưng không hết, gia đình chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ngày 23.4, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết dị vật nằm ngay trong cạnh bóng tim, nếu mạo hiểm nội soi gắp dị vật ra có nguy cơ biến chứng, thủng tim, tràn khí màng tim khiến bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ.

be-trai-kho-khe-2-thang-bac0si-ta-hoa-phat-hien-moc-khoa-day-keo-nam-gan-bong-tim-hinh-anh(1).png
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra vết mổ ở ngực của bé trai - Ảnh: PV

Bệnh nhi được tiến hành chụp CT thì phát hiện dị vật là một cản quang kim loại nằm trong phế quản trung gian phải gây ứ khí phổi phải.

Ngay sau đó, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và quyết định phối hợp liên chuyên khoa, giữa Khoa Tai mũi họng và Khoa Ngoại lồng ngực để tiến hành phẫu thuật. Cùng lúc cả 2 ê kíp, trong đó Khoa Ngoại lồng ngực có nhiệm vụ mở lồng ngực; còn Khoa Tai mũi họng có nhiệm vụ nội soi đường thở gắp dị vật.

Trong lúc các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tiến hành mở ngực đường trước liên sườn số 4, các bác sĩ Khoa Tai mũi họng ở phía trên tiến hành nội soi đường thở bằng ống cứng thì phát hiện dị vật nằm ở phế quản giữa dưới phải. Các bác sĩ tiến hành dùng kìm để lấy dị vật này ra ngoài.

“Dị vật được lấy ra là một móc khóa dây kéo bằng kim loại có kích thước 20 x 4mm. Rất may là sau khi gắp chỉ chảy ít máu, và được các bác sĩ cầm máu bằng gạc tẩm adrenalin. Sau đó, phế quản của bệnh nhi thông thoáng, chỉ còn viêm ít ở phế quản giữa dưới. Hiện bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh, phổi trở lại bình thường, chỉ còn một vết sẹo ở phổi do dị vật nằm lâu ngày ở đây”, bác sĩ Như chia sẻ và cho biết, trong trường hợp này, nếu không sớm lấy dị vật ra thì có nguy cơ dị vật ăn sâu gây hoại tử mạch máu dẫn đến vỡ mạch máu, bệnh nhân tử vong.

be-trai-kho-khe-2-thang-bac0si-ta-hoa-phat-hien-moc-khoa-day-keo-nam-gan-bong-tim-hinh-anh-1.png
Dị vật là chiếc móc khóa dây kéo bằng kim loại có kích thước 20 x 4mm được lấy ra - Ảnh: PV

ThS-BS Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 30 đến 40 trường hợp bị dị vật rơi vào đường thở, phần lớn là các trường hợp dị vật bỏ quên, nhưng trường hợp này rất đặc biệt, vì dị vật nằm nơi khá nhạy cảm, có thể làm thủng đường thở. “Để đảm bảo an toàn, chúng tôi buộc phải mở ngực. Vừa tiếp cận đường ngực vừa nội soi đường thở để lấy dị vật ra”, bác sĩ Hiếu cho biết thêm.

Theo bác sĩ Hiếu, trước khi lấy dị vật ra, thùy dưới phổi bị xẹp nhưng sau khi lấy dị vật đã nở trở lại được 3/4. Bệnh nhi sau này phải tập vật lý trị liệu để thùy dưới của phổi bung ra và tiếp tục theo dõi vết sẹo ở phổi.

Hồ Quang