Cam kết của ông Tập Cận Bình khiến nhiều nhà máy thép bị đóng cửa, hàng ngàn người mất việc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:17, 24/04/2021

Các quan chức địa phương ra lệnh đóng cửa các nhà máy thép để làm hài lòng chính quyền trung ương.
cam-ket-cua-ong-tap-can-binh-khien-nhieu-nha-may-thep-bi-dong-cua.jpg
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào ngành thép để giảm lượng khí thải CO2

Ở Trung Quốc, khi các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản đặt ra mục tiêu, hầu hết mọi người đều làm theo. Việc ông Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc đạt được mức độ trung hòa carbon trước năm 2060 khiến các quan chức địa phương đua nhau cắt giảm lượng khí thải, gây ra sự biến động tại các nhà sản xuất thép với việc đóng cửa cơ sở dẫn đến sa thải hàng loạt.

HBIS Group, nhà sản xuất thép số 2 Trung Quốc, đã đóng cửa các công trình của mình ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, nơi có tới 4.000 công nhân và vận hành ba lò cao vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà chức trách cho biết họ thiếu các biện pháp thích hợp để hạn chế ô nhiễm.

Lò cao là một loại lò trong kĩ thuật luyện kim, được sử dụng để nung chảy quặng thành kim loại. Trong quá trình luyện kim loại bằng lò cao quặng kim loại, vật liệu đốt và đá vôi được đưa vào lò từ phía trên, còn không khí được thổi vào từ bên dưới.

"Tất cả chúng tôi đều mất việc và không biết phải làm gì" là chia sẻ của một người đàn ông bị cho thôi việc tạm thời. Các kế hoạch kêu gọi xây dựng nhà máy hiện đại với các tính năng thân thiện với môi trường trong thành phố, nhưng ngày mở cửa cụ thể chưa được tiết lộ.

HBIS Group là một trong số nhiều nhà sản xuất thép buộc phải giảm công suất dưới áp lực từ chính quyền địa phương, vốn đang mong muốn cắt giảm lượng khí thải CO2 (carbon dioxide) để làm hài lòng chính quyền ông Tập Cận Bình. Xu hướng này đang đẩy giá thép lên cao, với chi phí cao hơn đổ dồn sang các nhà sản xuất hạ nguồn.

Tháng 3.2021, Đường Sơn đã yêu cầu hầu hết các nhà sản xuất thép trong thành phố cắt giảm sản lượng từ 30% đến 50% vào cuối năm. Với sản lượng 140 triệu tấn thép thô vào năm 2020, Đường Sơn chịu trách nhiệm sản xuất hơn 10% tổng sản lượng quốc gia.

Mức giảm là rất lớn. Nếu các nhà sản xuất thép trong thành phố tuân theo mức cắt giảm 40%, mức giảm tổng hợp sẽ gần tương đương với sản lượng năm 2019 của Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản.

cam-ket-cua-ong-tap-can-binh-khien-nhieu-nha-may-thep-bi-dong-cua1.jpg
Thị trường lớn nhất Đường Sơn cho các sản phẩm thép đã bị chính quyền đóng cửa

Cuộc đàn áp của Đường Sơn vẫn chưa kết thúc. Thành phố trong tháng này đã công bố hướng dẫn yêu cầu các nhà sản xuất thép thực hiện các biện pháp kiểm soát môi trường nghiêm ngặt, bao gồm cả lắp máy quay tại tất cả công trình và giám sát trực tuyến mức khí thải.

Đây là những biện pháp nghiêm ngặt đáng ngạc nhiên với một thành phố phụ thuộc nhiều vào ngành thép. Đường Sơn cũng yêu cầu các công ty thép hàng đầu khác đóng cửa các cơ sở cũ kỹ, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Việc thúc đẩy khử cacbon trong ngành thép bắt đầu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9.2020 rằng Trung Quốc sẽ đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060, một phần trong nỗ lực thu hút sự quan tâm của các nước châu Âu có ý thức về môi trường.

Ngành công nghiệp thép chiếm 10% đến 20% lượng khí thải CO2 hàng năm của Trung Quốc và được cho là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai sau các công ty điện lực. Cắt giảm lượng khí thải trong ngành thép đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đưa lượng khí thải về 0.

China Baowu Steel Group, nhà sản xuất thép hàng đầu đất nước, vào tháng 1.2021 đã tuyên bố sẽ giảm lượng khí thải CO2 từ năm 2024 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

HBIS Group đã làm theo tháng trước với mục tiêu tương tự China Baowu Steel Group.

Hai công ty sẽ tập trung phát triển công nghệ sử dụng hydro để giảm quặng sắt và loại bỏ việc sử dụng than. Thế nhưng thiết lập công nghệ sạch như vậy là tốn kém, không riêng chi phí nghiên cứu và phát triển cao mà chi phí mua sắm hydro cũng vậy. Đây là lý do tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy giảm sản lượng trong nhiệm vụ cắt giảm khí thải.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 5,2% trong năm lên mức kỷ lục 1,05 tỉ tấn vào 2020 do các biện pháp kích thích nền kinh tế (do COVID-19) đã thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng. Năm nay, áp lực giảm giá đang gia tăng. Một quan chức Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sản lượng sẽ giảm trong năm nay tại cuộc họp báo vào tháng 1.2021.

HBIS, một công ty con quan trọng của HBIS Group, nói với các nhà đầu tư hôm 23.4 rằng họ đang thực hiện các giới hạn sản xuất nghiêm ngặt theo yêu cầu của thành phố Đường Sơn và tác động đến thu nhập sẽ được công bố sau. Đơn vị đã có lợi nhuận ròng giảm 33% so với năm 2020 và dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng thêm vào thu nhập.

Giá nguyên liệu thép đã tăng mạnh kể từ khi Đường Sơn thông báo cắt giảm sản lượng vào tháng trước. Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng cho ô tô và điện tử, đã tăng khoảng 10% trong tháng qua.

Chính quyền đã đóng cửa thị trường nguyên liệu thép lớn nhất Đường Sơn vào cuối năm ngoái, một người bán hàng gần đó cho biết. Tuy nhiên, một số cửa hàng vẫn tiếp tục bán các sản phẩm thép do công nhân bị sa thải sản xuất mà không có bất kỳ giấy phép nào. Các nhà chức trách quảng cáo rằng họ đã quét sạch thép phế liệu được sản xuất trái phép - thứ được cho là phá vỡ giá cả thị trường và không được đưa vào thống kê. Song, nguồn cung có thể tạm thời quay trở lại khi nhu cầu phục hồi.

Khi Trung Quốc thúc đẩy giảm lượng khí thải CO2, việc cắt giảm sản lượng có thể sẽ bóp nghẹt các nhà sản xuất thép, với hậu quả sẽ lan sang các ngành công nghiệp ô tô và thiết bị gia dụng.

Nhân Hoàng