Cuộc họp tìm giải pháp cấp bách kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhà báo bị mời ra ngoài
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:30, 19/12/2019
>> Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị
Trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Các chỉ số cho thấy Hà Nội thường xuyên đứng trong nhóm ô nhiễm không khí hàng đầu.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chiều 19.12, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn.
Cuộc họp thu hút sự quan tâm của hàng chục phóng viên báo chí.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh cuối năm 2019, chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn cho thấy mức độ ô nhiễm đã có lúc vượt quá ngưỡng quy định, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Điều này gây ra lo lắng lớn cho người dân.
Theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm, trong đó phân công rất rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm xác định nguyên nhân, đánh giá chính xác tình hình, thực trạng và có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, khoa học về chất lượng không khí.
Ông Hà nhấn mạnh: “Thông tin này cần có sự thống nhất cao. Thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng, tạo lo ngại trong dân”.
Ông Hà đề nghị nội dung cuộc họp sẽ tập trung làm rõ cơ sở khoa học để xác định, đánh giá diễn biến về ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội, TP.HCM trong thời gian vừa qua dựa trên số liệu quan trắc cụ thể như thế nào. Ngoài ra, đồng thời phân tích trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm của các nước về nồng độ của không khí, các thông số, chỉ số đo trong 5 năm vừa qua để thấy trong năm 2019 và các năm về trước có xu hướng gia tăng chỉ số gì?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà định hướng nội dung cuộc họp: “Đâu là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe? Tập trung vào nguyên nhân bụi mịn đến từ đâu? Có như vậy mới giải quyết được vấn đề. Sau đó thống nhất các giải pháp trước mắt”.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho rằng nhiều nguyên nhân không thể giải quyết trong thời gian ngắn nhưng cần có những giải pháp trước mắt có thể khắc phục được một phần nào đó.
Do cuộc họp thu hút sự quan tâm, tham dự đưa tin của gần 50 phóng viên đến từ các báo, đài nên Bộ trưởng Trần Hồng Hà lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của các đại biểu phát biểu nên ông đã đề nghị báo chí không tham gia trong quá trình thảo luận; cuối buổi Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ có thông cáo báo chí đầy đủ.
Sau khi hàng chục phóng viên "bị mời" rời khỏi phòng họp, với lý do "có thể gây áp lực tâm lý cho các đại biểu khi phát biểu", họ đã bày tỏ sự bức xúc, vì rõ ràng trước đó được mời đến dự cuộc họp để đưa tin, minh bạch công khai, chứ không phải tự động đến dự.
Nam Phong