Ấn Độ phải dùng đến 'vũ khí cuối cùng’, nghị sĩ Dân chủ thúc giục ông Biden tặng vắc xin COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:43, 25/04/2021
Mỹ cho biết vô cùng lo ngại trước sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus ở Ấn Độ và đang chạy đua để gửi viện trợ cho nước này.
Số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ đã tăng thêm 349.691 ca trong 24 giờ qua, ngày thứ tư liên tiếp đạt đỉnh kỷ lục và các bệnh viện ở Thủ đô Delhi cũng như trên khắp đất nước đang từ chối nhận bệnh nhân sau khi hết oxy y tế và giường.
"Chúng tôi rất tự tin, tinh thần phấn chấn sau khi vượt qua thành công đợt sóng đầu tiên, nhưng cơn bão này đã làm rung chuyển đất nước", Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi phát biểu trên đài phát thanh.
Chính phủ của Thủ tướng Modi đã phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ mất cảnh giác, cho phép các cuộc tụ tập tôn giáo, chính trị lớn diễn ra khi các ca bệnh ở Ấn Độ giảm mạnh xuống dưới 10.000 mỗi ngày và không có kế hoạch xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Các bệnh viện và bác sĩ đã đưa ra thông báo khẩn cấp rằng họ không thể đối phó với tình trạng bệnh nhân đổ xô đến.
Các nhiếp ảnh gia của Reuters cho biết nhiều người đang sắp xếp cáng và bình oxy bên ngoài bệnh viện khi họ tuyệt vọng cầu xin nhà chức trách đưa bệnh nhân vào.
Một bác sĩ nói trên truyền hình: “Ngày nào cũng xảy ra tình trạng tương tự, chúng tôi được thở oxy hai tiếng, chúng tôi chỉ nhận được sự đảm bảo từ cơ quan có thẩm quyền”.
Bên ngoài một ngôi đền theo đạo Sikh ở thành phố Ghaziabad, ngoại ô Delhi, con phố giống khu cấp cứu của bệnh viện nhưng chật cứng những chiếc xe chở bệnh nhân COVID-19 đang thở hổn hển khi họ được móc vào bình oxy cầm tay.
Thủ hiến Delhi - Arvind Kejriwal đã gia hạn một đợt phong tỏa ở thủ đô (dự kiến kết thúc vào 26.4) thêm một tuần để cố gắng ngăn chặn sự lây truyền coronavirus đang giết chết 1 người cứ sau 4 phút.
Ông nói: “Phong tỏa là vũ khí cuối cùng mà chúng tôi sử dụng đối phó với coronavirus nhưng với các trường hợp gia tăng quá nhanh, chúng tôi phải sử dụng vũ khí này”.
Tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ là 16,96 triệu và số ca tử vong là 192.311 người sau khi thêm 2.767 người nữa chết chỉ sau một đêm, theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ.
Chỉ trong tháng trước, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ tăng 8 lần và số trường hợp tử vong tăng gấp 10 lần. Các chuyên gia y tế cho biết số người chết vì COVID-19 có lẽ còn cao hơn nhiều.
Ashish Jha, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, đã cảnh báo đất nước 1,3 tỉ dân đang đứng trên bờ vực của thảm họa nhân đạo, trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post hôm 24.4.
"Trái tim của chúng tôi hướng về người dân Ấn Độ giữa đợt bùng phát COVID-19 khủng khiếp. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình trong Chính phủ Ấn Độ và sẽ nhanh chóng triển khai hỗ trợ thêm cho người dân Ấn Độ cùng những người hùng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của nước này", Ngoại trưởng Mỹ - Anthony Blinken viết trên Twitter.
Mỹ đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ở Ấn Độ vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô sản xuất vắc xin (túi phản ứng sinh học, dung dịch cấp môi trường nuôi cấy tế bào và bộ lọc) được áp dụng thông qua Đạo luật Sản xuất Quốc phòng và lệnh cấm vận xuất khẩu liên quan vào tháng 2.2021. Theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng có từ năm 1950, các nguyên liệu thô được ưu tiên cấp cho công ty trong Mỹ thay vì nước ngoài.
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ - Kanwal Sibal cho hay: “Ấn Độ rất hào phóng trong việc xuất khẩu và quyên tặng vắc xin cho các nước khác trong đại dịch COVID-19. Ngược lại, Mỹ chỉ muốn tạo ra một kho dự trữ để đối phó làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Hàng triệu người Ấn Độ đang bị ảnh hưởng do SARS-CoV-2 và về cơ bản Mỹ hoàn toàn phớt lờ mạng sống của những người dân Ấn Độ”.
Ngoại trưởng Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar đã đề cập đến vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ - Antony Blinken vào ngày 19.4. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khẳng định chính quyền Tổng thống Biden ưu tiên tiêm chủng cho người dân Mỹ trước.
“Chúng tôi hành động như vậy vì một vài lý do. Chúng tôi có trách nhiệm đặc biệt với người dân Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19. Đã có trên 550.000 người tử vong. Hàng chục triệu ca mắc bệnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price trả lời khi được hỏi về động thái của Mỹ liên quan đến kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô.
Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, trong tháng này đã thúc giục Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận với xuất khẩu nguyên liệu thô của Mỹ đang làm ảnh hưởng đến việc sản xuất vắc xin AstraZeneca của nước này.
Những người khác như Nghị sĩ đảng Dân chủ - Raja Krishnamoorthi đã thúc giục chính quyền Biden cung cấp vắc xin không sử dụng cho Ấn Độ.
Ông nói: “Khi mọi người ở Ấn Độ và các nơi khác rất cần sự giúp đỡ, chúng tôi không thể để vắc xin nằm trong nhà kho, chúng tôi cần phải đưa chúng đến nơi mà chúng sẽ cứu được mạng sống”.
Mức tăng của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 với số ca mắc COVID-19 hàng ngày lên đến nửa triệu, tờ Indian Express trích dẫn một đánh giá nội bộ của chính phủ.
V.K. Paul, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm COVID-19, đã trình bày trong cuộc họp với Thủ tướng Modi và các thủ hiến bang rằng cơ sở hạ tầng y tế ở các bang đông dân không đủ để đối phó với COVID-19.