TP.HCM muốn Trung ương giúp 3.000 tỉ làm cao tốc nối tới Mộc Bài
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:08, 26/04/2021
Trong dự thảo văn bản kiến nghị một số vấn đề lên Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ ngành, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 50% vốn ngân sách T.Ư (khoảng 3.000 tỉ đồng) để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đi qua địa bàn TP. Đồng thời, TP.HCM đề nghị bổ sung thêm kinh phí để GPMB vì chi phí này tăng theo thời gian, cần thiết phải cập nhật lại.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được nghiên cứu với tổng chiều dài hơn 53km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Đoạn cao tốc đi qua địa phận TP.HCM dài 23,7km, địa phận tỉnh Tây Ninh dài 26,3km. Đoạn TP.HCM đến Trảng Bàng có quy mô 8 làn xe (rộng 42m) và đoạn Trảng Bàng đến Mộc Bài có quy mô 6 làn xe (34,5m). Dự án phải thu hồi tổng diện tích 432ha, riêng TP.HCM khoảng 209ha, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh. Chi phí GPMB ban đầu ước tính khoảng 5.117 tỉ đồng (TP.HCM cần 4.130 tỉ đồng, Tây Ninh cần 987 tỉ đồng).
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 13.600 tỉ đồng (gồm chi phí xây dựng hơn 5.400 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án và khai thác hơn 650 tỉ đồng, chi phí GPMB hơn 5.000 tỉ đồng, chi phí dự phòng và lãi vay hơn 2.400 tỉ đồng) được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của nhà nước. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng sau khi dự án đưa vào khai thác.
Năm 2019, Thủ tướng giao TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai tuyến cao tốc này; đồng thời chấp thuận cho UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo HĐND thống nhất cử đại diện TP.HCM làm cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án và triển khai theo trình tự các thủ tục phê duyệt dự án theo quy định.
Theo lộ trình, hai địa phương TP.HCM và Tây Ninh sẽ hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và lập khả thi dự án trong năm nay. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành vào năm 2022. Trong năm 2023, dự án bắt đầu khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường 4 làn xe (17m, giai đoạn 1) trong năm 2025.
Đây là tuyến cao tốc được chờ đợi đầu tư nhiều năm qua, bởi hiện tuyến quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến đường bộ duy nhất nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài đã quá tải nhiều năm. Hơn nữa tuyến cao tốc hoàn thành sẽ làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối giữa TP.HCM và Campuchia. Lãnh đạo Tây Ninh và TP.HCM cũng đã có nhiều cuộc làm việc để thúc đẩy sớm triển khai dự án. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai trên thực địa.
Cũng trong dự thảo đang lấy ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ, TP.HCM cũng cho biết để khai thác hiệu quả cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư khép kín đường vành đai 3 (đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.