Trục Trái đất bị thay đổi do biến đổi khí hậu
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 07:45, 27/04/2021
Cực bắc cùng cực nam Trái đất - nơi trục quay giao nhau với bề mặt - không cố định. Thay đổi về phân bố khối lượng trên bề mặt khiến trục lẫn 2 cực chuyển động.
Băng tan khiến một lượng nước đáng kể dịch chuyển, làm tăng tốc quá trình chuyển động. Nhóm của tiến sĩ Đặng San San thuộc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên - Địa lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ước tính kể từ năm 1980, vị trí 2 cực dịch chuyển khoảng 4 mét.
Nước ngầm và dòng hải lưu cũng có tác động nhưng ít hơn. Yếu tố chủ yếu gây nên thay đổi (quan sát được kể từ những năm 1990) là băng tan.
Kết hợp phân tích dữ liệu từ hệ thống vệ tinh GRACE (dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức) và sử dụng mô hình tính toán riêng, nhóm nhà khoa học Trung Quốc phát hiện 2 cực dịch chuyển từ nam sang đông kể từ giữa những năm 1990, tốc độ dịch chuyển giai đoạn 1995 - 2020 nhanh gấp 17 lần giai đoạn 1981 - 1995.
“Sụt giảm trữ lượng nước trên bề mặt gia tăng do băng tan là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyển dịch nhanh về phía đông – cho thấy biến đổi khí hậu và chuyển động địa cực có quan hệ chặt chẽ”, theo nhóm nhà khoa học. Tất nhiên biến đổi khí hậu không phải yếu tố duy nhất, nhưng là yếu tố tác động lớn nhất.
Học giả Vincent Humphrey thuộc đại học Zurich (không tham gia vào nghiên cứu) đánh giá phát hiện trên chứng tỏ hoạt động của con người đã phân bổ lại lượng nước trên Trái đất, gây ảnh hưởng lớn đến mức thay đổi cả trục quay.
Trục quay thay đổi có thể thay đổi độ dài của một ngày ở mức mili giây – chưa đủ làm xáo trộn cuộc sống hằng ngày, theo học giả Humphrey.
Băng tan với tốc độ ngày càng nhanh là vấn đề gây nhức nhối nhiều năm nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình hình dường như ngày càng tồi tệ hơn, mới đây nhất một nhóm chuyên gia thuộc đại học California cảnh báo nước biển từ Thái Bình Dương đang tạo ra “bom nhiệt” dưới Bắc cực có thể tồn tại thời gian dài, khiến băng tan nhanh hơn nữa.