Vì sao lượng khán giả xem Oscar 2021 giảm kỷ lục?

Văn hóa - Ngày đăng : 13:26, 27/04/2021

So với năm ngoái, số lượng người xem lễ trao giải Oscar 2021 đã giảm sút 58%.

Khán giả của kênh truyền hình ABC – kênh phát sóng trực tiếp lễ trao giải Oscar 2021 vào ngày 25.4 chỉ đạt khoảng 9,85 triệu lượt người xem, thấp hơn 58% so với con số 23,6 triệu người xem vào năm ngoái. Đây là con số giảm kỷ lục lượng khán giả Mỹ quan tâm đến một giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh. Số liệu sơ bộ kể trên do Nielsen vừa công bố.

Không chỉ có giải Oscar mà hầu hết các chương trình trao giải trực tiếp đều bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19. Mới đây, giải Grammy giảm 53% rating, giải Quả cầu vàng sụt mạnh đến 60%.

oscar-20214.jpg
Rating của lễ trao giải Oscar 2021 tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh: Internet

Nguyên nhân Oscar năm nay xa lạ với khán giả không hẳn là đại dịch COVID-19. Số liệu của Nielsen cho thấy giải Oscar đã sụt giảm số lượng người xem trong 6 năm trước đó. Rating Oscar năm nay sụt giảm nhiều tiếp tục là một cú rơi tự do thê thảm đối với giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.

Hơn một năm qua, hình thức giải trí tại nhà ngày càng phổ biến, rạp phim đóng cửa trên diện rộng. Điều này đe dọa vị trí chủ đạo trong văn hóa giải trí Mỹ của ngành điện ảnh, phim chiếu rạp. Nếu giải Oscar 2021 không gây tiếng vang, điều này sẽ đẩy Hollywood lún sâu hơn vào "cuộc khủng hoảng bản sắc", theo New York Times. Nguy cơ Oscar đi xuống không chỉ đáng buồn về khía cạnh tình yêu điện ảnh mà còn kéo theo thiệt hại về tiền bạc.

Oscar là cỗ máy kiếm tiền của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh, khi Disney (chủ sở hữu Đài ABC) chi 900 triệu USD cho bản quyền phát sóng lễ trao giải đến năm 2028. Các hãng có nhiều phim dự giải như Netflix cũng sẵn sàng chi 30 triệu USD để quảng bá, vận động hành lang cho mỗi phim. Sau mỗi mùa Oscar, viện hàn lâm thu lời 90 triệu USD.

Với hy vọng thu hút lại người xem, các nhà sản xuất lễ trao giải Oscar 2021 đã thử vài thay đổi. Để Oscar năm nay mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, đạo diễn Steven Soderbergh nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là "sự thân mật". Soderbergh cho biết dù ngồi trong khán phòng với tư cách người được đề cử hay xem tại nhà, ông thấy Oscar chưa mang lại cảm giác thân mật. Soderbergh cũng không sử dụng ứng dụng Zoom vì nó gây cảm giác xa cách, thiếu đầu tư.

Giải thưởng được phát sóng lần đầu tiên tại ga Union ở trung tâm thành phố Los Angeles trong một khung cảnh thân mật hơn với chỉ những người được đề cử và khách của họ.

a3-1619426969.jpg

Thay vì để dành việc công bố hạng mục sau cùng là Phim hay nhất, các nhà sản xuất phá vỡ thông lệ, kết thúc với giải Nam diễn viên xuất sắc dành cho Anthony Hopkins. Tuy nhiên nam diễn viên lại không dự lễ trao giải khiến cho phần kết thúc đột ngột.

Phản ứng từ các nhà phê bình điện ảnh và truyền hình về lễ trao giải khá gay gắt. Nhà phê bình Kelly Lawler của tờ USA Today viết: “Giải Oscar như một chương trình truyền hình dài lê thê, nhàm chán”. Nhà phê bình Mike Hale của tờ The New York Times nhận định: “Sự thay đổi - cho dù là vì đám đông ở nhà do giãn cách xã hội - cộng thêm chất lượng âm thanh tệ hại trong không gian hang động là những điều khiến cho người xem cảm giác giống như đang ở trong một căn phòng chết, cả về âm thanh lẫn cảm xúc”.

572ebac2-08d3-4f58-b58a-dbd69a2dbda3-159379screenshot2021-04-25at80638pm-16194114452421066319988.jpg
Nữ đạo diễn diễn gốc Á Chloé Zhao lên sân khấu nhận giải thưởng - Ảnh: internet

Nhiều người xem nhận ra rằng chương trình có rất ít video clip trích từ các bộ phim được đề cử. Nhà phê bình Darren Franich của tờ Entertainment Weekly tiếc nuối: “Vì vậy ban tổ chức đã bỏ lỡ một cơ hội để thuyết phục người xem bằng những cảnh quay thực tế về diễn xuất của các diễn viên hay về hiệu ứng hình ảnh của Tenet”.

Đan Thuỳ