Phó Thủ tướng: Kiều bào hạn chế đi lại, các tỉnh muốn giãn cách xã hội cần trao đổi với tỉnh lân cận
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:00, 27/04/2021
Chiều 27.4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, không nên để một cá nhân làm ảnh hưởng đến cả nước và kêu gọi người dân hạn chế di chuyển.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 27.4, thế giới ghi nhận hơn 148 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 3,1 triệu ca tử vong. Đáng chú ý, trong 4 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 18 triệu ca mắc COVID-19, chiếm 12,4% tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch, trong đó có hơn 290.000 ca tử vong, chiếm 9,4%. Nhiều quốc gia ở gần Việt Nam ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, người dân nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, trong khi vẫn còn những trường hợp nhập cảnh trái phép. Người dân trong nước nên nâng cao vấn đề phòng dịch, tránh tụ tập nơi đông người và thực hiện đủ biện pháp 5K.
Phó thủ tướng cũng cho biết ở các tỉnh có vùng biên giới, những người nhập cảnh trái phép qua đường bộ đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn nên ban chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ không thu phí xét nghiệm, cách ly. Không để một số người vì lý do phải đóng phí cách ly, xét nghiệm mà vượt biên, nhập cảnh trái phép, còn các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý nghiêm. Đặc biệt ở các khu cách ly cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch.
Với người nước ngoài, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ, có kế hoạch chủ động, phục vụ yêu cầu kiểm soát dịch. "Chúng ta cũng kiên trì kêu gọi, khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời điểm dịch bệnh, cố gắng hạn chế di chuyển và ở lại, tuân thủ các biện pháp chống dịch của nước sở tại. Trường hợp thực sự cần thiết phải về nước thì bà con đi theo đường hợp pháp. Những địa bàn ở xa, chúng ta vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay đưa bà con về nước phù hợp với tình hình chống dịch ở khu vực, nước sở tại và tình hình dịch trong nước, bảo đảm an toàn", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Với bà con người Việt ở Ấn Độ có nguyện vọng về nước, cơ quan chức năng đang thu xếp để đưa về trong thời gian sắp tới.
"Bằng chứng mới nhất là tại Yên Bái, khi đón đoàn chuyên gia Ấn Độ vào đã lây cho một nhân viên ở khách sạn cách ly. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Nhắc đến vấn đề vắc xin COVID-19, Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện phương án xét nghiệm, kết hợp các loại công nghệ phục vụ các tình huống dịch bệnh khác nhau, trên tinh thần đẩy nhanh tốc độ, tiết kiệm chi phí. Bộ Y tế phải cập nhật những công nghệ xét nghiệm mới của quốc tế nếu đã có bằng chứng sử dụng hiệu quả thì cho nhập khẩu nhanh, mặt khác đẩy nhanh nghiên cứu trong nước, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới với những biến chủng có tốc độ lây lan rất nhanh.
Những địa phương có nguy cơ cao, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, phải tăng cường năng lực xét nghiệm, không để tình trạng xảy ra dịch bệnh trên địa bàn mà không xác định được tình hình kịp thời do thiếu năng lực xét nghiệm. Rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, cả quân sự lẫn dân sự, bảo đảm cách ly tuyệt đối an toàn, không để lây nhiễm chéo.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự điều hành thống nhất khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo thẩm quyền được giao nếu cách ly các vùng ở khu vực giáp ranh với tỉnh, thành phố khác thì phải có sự bàn bạc, thống nhất.
Trường hợp giãn cách xã hội, cách ly toàn tỉnh phải trao đổi ý kiến với các tỉnh, thành phố lân cận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương phải khoanh vùng gọn nhất có thể, những trường hợp chưa đủ căn cứ khoanh gọn ngay thì khi khoanh vùng rộng hơn phải có thời hạn và khẩn trương xác định khu vực có dịch, bảo đảm an toàn, bớt xáo trộn nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ cơ sở, trang thiết bị, vật tư đảm bảo đầy đủ cho phòng chống dịch, điều trị phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Lãnh đạo các bộ ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phải đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương, đặc việc là việc thực hiện thông điệp 5K, xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Điều quan trọng là trong điều kiện bình thường mới, tất cả hoạt động phải được tổ chức an toàn.