Công ty mẹ của Google lập kỷ lục về lợi nhuận, lên kế hoạch mua lại 50 tỉ USD cổ phiếu
Thế giới số - Ngày đăng : 07:01, 28/04/2021
Với hoạt động tiêu dùng trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trong quý 1/2021, Alphabet đã vượt qua ước tính doanh thu của các nhà phân tích và gần như vượt qua kỷ lục bán hàng mà nó thiết lập trong quý 4/2020.
Doanh số bán quảng cáo của Google đã tăng 32% trong quý 1/2021 so với một năm trước, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích được Refinitiv (nhà cung cấp toàn cầu dữ liệu thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng) theo dõi. Doanh số bán hàng qua đám mây tăng 45,7%, phù hợp với ước tính.
Cổ phiếu của Alphabet tăng khoảng 4,3% lên 2.390,10 USD trong giao dịch mở rộng.
Kết quả cung cấp dấu hiệu đầu tiên cho thấy các dịch vụ của Google như Seach và YouTube có thể giữ được lợi nhuận đạt được kể cả khi phong tỏa và các hạn chế khác trong đại dịch COVID-19 buộc mọi người phải mua sắm, giao tiếp trực tuyến ở năm qua.
Khoảng 17% người dân ở Mỹ, khu vực hàng đầu của Alphabet tính theo doanh thu, đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ vào cuối quý 1/2021. Các hoạt động bao gồm ăn uống trực tiếp đã được tiếp tục tại các thành phố lớn vào tháng 3.2021 và việc kiểm tra an ninh tại các sân bay của Mỹ rất bận rộn.
Thế nhưng, Giám đốc tài chính của Alphabet - Ruth Porat nói với các nhà phân tích rằng "còn quá sớm để dự báo mức độ về những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và chi tiêu quảng cáo".
Ruth Porat và Giám đốc Kinh doanh của Google - Philipp Schindler từ chối bình luận về việc liệu Google có thấy sự phục hồi trong chi tiêu cho du lịch và các ngành khác vốn là khách hàng lớn trước đại dịch hay không.
Doanh thu hàng quý tổng thể của Alphabet đã tăng 34% lên 55,3 tỉ USD, cao hơn ước tính của các nhà phân tích về mức tăng trưởng 26% so với một năm trước và gần với mức 56,9 tỉ USD mà công ty báo cáo trong quý 4/2020. Doanh thu được hưởng lợi một khoản không xác định từ việc Google mua lại nhà sản xuất đồng hồ thông minh Fitbit vào tháng 1.2021.
Lợi nhuận hàng quý của Alphabet là 17,9 tỉ USD, tương đương 26,29 USD/cổ phiếu, vượt qua ước tính 15,88 USD/cổ phiếu và mức cao nhất trước đó là 15,2 tỉ USD trong quý 4/2020.
Thế nhưng, gần 4 tỉ USD thu nhập đến từ khoản lãi tiềm năng trong các khoản đầu tư mạo hiểm và tính toán lại khấu hao của một số thiết bị trung tâm dữ liệu.
Doanh thu cao đã đẩy tỷ suất lợi nhuận hoạt động lên tới 30% lần đầu tiên kể từ khi hợp nhất với tên Alphabet vào năm 2015 ngay cả khi chi phí của công ty bắt đầu tăng trở lại do việc thuê mướn, các vấn đề pháp lý và xây dựng các cơ sở mới. Alphabet vào năm 2020 có mức tăng trưởng doanh số chậm nhất trong 11 năm nhưng đạt lợi nhuận kỷ lục, tăng lượng tiền mặt tích trữ lên 17 tỉ USD sau khi việc thuê và xây dựng chậm lại.
Việc ủy quyền mua lại cổ phần của hội đồng quản trị Alphabet theo sau chương trình mua lại trị giá 25 tỉ USD được công bố vào năm 2019. Nhà phân tích Brent Thill của công ty dịch vụ tài chính Jefferies (Mỹ) ước tính Alphabet hiện còn 56 tỉ USD để chi mua cổ phiếu của mình.
Hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google, công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu tính theo doanh số, chiếm 81% doanh thu quý 1/2021 của Alphabet.
Philipp Schindler cho biết các công ty bán lẻ, công nghệ và sản phẩm tiêu dùng nằm trong số các nhà quảng cáo tìm kiếm lớn trong quý 1/2021.
Kém xa mảng kinh doanh dịch vụ đám mây của Amazon và Microsoft, Google Cloud đã thu hẹp mức lỗ hoạt động của mình xuống 44% còn 974 triệu USD trong quý 1/2021.
Cổ phiếu của Alphabet, đứng thứ 184 trong số các công ty trong chỉ số S&P 500 (.SPX), đã tăng 80% trong năm ngoái. Cổ phiếu của đối thủ hàng đầu là Facebook đã tăng 62% trong năm ngoái.
Dù một số lo ngại về triển vọng dài hạn của Google đã xuất hiện những năm gần đây nhưng không có vấn đề nào ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng.
Các vụ kiện Google về quyền riêng tư và chống độc quyền có khả năng vẫn còn cách giải quyết, có thể dẫn đến những thay đổi với hoạt động quảng cáo của hãng này.
Các cuộc thảo luận về việc thay đổi luật của Mỹ và châu Âu để áp đặt sự giám sát mới với Google, Facebook và các công ty khác, đặc biệt là về quyền riêng tư và trí tuệ nhân tạo, đã bị trì hoãn do các nhà lập pháp bị phân tâm bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các vấn đề vẫn tiếp tục xuất hiện. Hôm 26.4, công ty công nghệ truyền hình trực tuyến Roku đã cáo buộc Google tham gia vào hành vi phản cạnh tranh để mang lại lợi ích cho YouTube và các doanh nghiệp phần cứng của mình. YouTube gọi đó là "những tuyên bố vô căn cứ".