Bộ Y tế ra quyết định hướng dẫn điều trị và chuẩn đoán COVID-19

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:01, 28/04/2021

Sáng 28.4, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn và chuẩn đoán, điều trị COVID-19 tới các tỉnh nhằm bổ sung hỗ trợ khi các tỉnh có những ca diễn biến nặng hoặc đông bệnh nhân.

Chia sẻ về việc ban hành quyết định hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2, đại diện Bộ Y tế chia sẻ nguyên nhân việc ban hành hướng dẫn là thời gian gần đây, gần 20% số bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng khoảng 7-8 ngày.

Người mắc COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng, như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của "cơn bão cytokine" và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch.

Hiện tại, COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh. Thời gian ủ bệnh của COVID-19 từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết người bệnh (hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

tp_2_uvpz.jpg
Bộ Y tế kêu gọi người dân đồng lòng chống dịch COVID-19

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây có khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp như: Thở nhanh, khó thở, tím tái..., hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo có tiên lượng tử vong cao hơn người trẻ, người không có bệnh lý nền. Ở trẻ em, đa số trẻ mắc COVID-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp là sốt và ho hoặc các biểu hiện viêm phổi. Bộ Y tế cũng hướng dẫn việc phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh, cụ thể nguyên tắc điều trị chung, phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Với ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ), điều trị tại các khoa, phòng thông thường. Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các phòng cấp cứu của các khoa, phòng hoặc hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng - nguy kịch (suy hô hấp nặng, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực. Do COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu, nên điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Ngoài ra, người bệnh đã cách ly tập trung tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày từ khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên, đồng thời có tối thiểu hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau từ 48 đến 72 giờ) âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR; thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.

Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương thêm 14 ngày. Cùng với đó, người bệnh được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Đối với những trường hợp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tái dương tính trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Bên cạnh đấy, Bộ Y tế cũng ra văn bản kêu gọi người dân đồng lòng chống dịch, hạn chế tụ tập, cảnh giác với dịch bệnh COVID-19 sẵn sàng có thể quay trở lại nếu chúng ta lơ là. Trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 sắp tới, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:

- Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

- Không được chủ quan, lơ là. Mỗi người dân luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

- Người dân thực hiện tốt Khuyến cáo 5K gồm: Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế để phòng, chống dịch COVID-19.

- Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Bộ Y tế cũng kêu gọi mỗi người dân, vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, cùng đồng lòng, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung