Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận dân số giảm sau hơn 70 năm
Quốc tế - Ngày đăng : 14:50, 28/04/2021
Chính phủ Trung Quốc dự kiến sớm công bố dân số lần đầu tiên giảm kể từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949. Số liệu điều tra dân số mới nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ cho thấy sự sụt giảm xuống dưới 1,4 tỉ người, dù hiện chưa rõ giảm bao nhiêu. Số liệu được cho là sẽ được công bố đầu tháng này, nhưng đã bị hoãn. Các bộ ngành của Trung Quốc đã sử dụng con số 1,4 tỉ dân kể từ năm 2018. Ông Liu Aihua, phát ngôn viên Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 16.4 cho biết việc trì hoãn công bố chính thức là bởi cần có thêm thời gian để làm công tác chuẩn bị.
Tỷ lệ sinh nở tại nước này suy giảm sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con, được thực hiện từ cuối những năm 1970 buộc hầu hết các gia đình chỉ sinh 1 con, nếu không sẽ bị phạt, chỉ cho phép các gia đình sinh 2 con nhằm duy trì mức tăng dân số hợp lý. Tuy nhiên, mức độ hưởng ứng chính sách mới của dân chúng không được như kỳ vọng, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp.
Chính phủ nước này đặt mục tiêu đưa quy mô dân số lên mức 1,42 tỉ người vào năm 2020 và tăng tỷ lệ sinh nở trung bình tại Trung Quốc lên mức 1,8 con/bà mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ này trên thực tế chỉ đạt mức 1,5 con/bà mẹ. Số liệu chính thức cho thấy số trẻ em sinh ra tại Trung Quốc tăng vào năm 2016 nhưng giảm liên tiếp trong 3 năm sau đó. Mất cân bằng giới tính, suy giảm số lượng phụ nữ trẻ cùng với chi phí nuôi dạy con cái tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Theo giới phân tích, dân số sụt giảm có thể gây ra những hậu quả lớn đối với kinh tế Trung Quốc và cả cách các nước khác trong đó có Mỹ, nhìn nhận nước này.
“Các nhà kinh tế và quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, sẽ cạnh tranh với Mỹ", Fuxian Yi, nhà khoa học cấp cao tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho biết, “Nhưng trên thực tế, Trung Quốc không mạnh như họ nghĩ”.
Ít dân Trung Quốc hơn nghĩa là tiêu thụ nội địa sẽ giảm trong bối cảnh Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng dựa trên tiêu thụ nội địa như một phần trong chính sách “tuần hoàn kép” mới được công bố. Hơn nữa, tỷ lệ người trẻ với người già sẽ mất cân bằng đáng kể do sự tăng nhanh chóng người già, từ đó tạo thêm căng thẳng chưa từng có tiền lệ cho các mối quan hệ giúp gắn kết xã hội.
Tháng trước, một nhà nghiên cứu hàng đầu của chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu cho công nhân, dấu hiệu cho thấy lực lượng lao động nước này không đủ lớn để cho phép người lao động nghỉ hưu ở độ tuổi thông thường. Trong 4 thập niên qua, tuổi nghỉ hưu bắt buộc của Trung Quốc không thay đổi, 60 đối với nam và 55 đối với nữ, hoặc 50 đối với nữ lao động phổ thông.
“Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất và dân số già hóa nhanh chóng của Trung Quốc đã được chú ý gần hai thập niên trước. Đó là điều nhạy cảm vì nhiều người đổ lỗi cho chính phủ chậm hủy bỏ chính sách một con”, Mary Gallagher - Giám đốc Viện Quốc tế của Đại học Michigan (Mỹ) nhận định.