Sau 100 ngày đầu nắm quyền, ông Biden vẫn còn nhiều vấn đề chưa xem xét xong

Quốc tế - Ngày đăng : 11:27, 30/04/2021

Không ít chính sách và vấn đề quan trọng vẫn đang được xem xét mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nắm quyền được 100 ngày.

Chúng trải dài từ vấn đề kinh tế dai dẳng suốt một thế hệ đến loạt chính sách gây tranh cãi mà người tiền nhiệm Donald Trump để lại. Phần lớn đều liên quan đến Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ mà Tổng thống Biden đã xác định rõ ràng.

Ngay từ lúc chính thức nắm quyền, Tổng thống Biden rất nhanh chóng củng cố một chiến lược cạnh tranh tổng thể: làm mới quan hệ với đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc lẫn đối tác như Ấn Độ, đồng thời tăng đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, xem xét chính sách quá chậm có thể khiến nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ chịu thiệt hại. Sau khi Tổng thống Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 28.4, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney phát biểu trước báo giới rằng: “Tôi không tin chúng ta có chiến lược toàn diện để đối phó Trung Quốc đang muốn thống trị thế giới. Chúng ta không có thời gian ngồi nhàn nhã và thắc mắc, chúng ta cần hành động và chính sách cụ thể”.

download.jpg
Khó khăn vẫn đang chờ Tổng thống Biden ở phía trước - Ảnh: Reuters

Đến nay Tổng thống Biden vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ công tác ở một số quốc gia (kể cả Đại sứ tại Trung Quốc). Một vị trí quan trọng trong Vụ Công nghiệp - An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ (đơn vị phụ trách giám sát hoạt động xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc) còn bỏ trống.

Washington trước đó tuyên bố sẽ hợp tác cùng đồng minh áp đặt thêm hạn chế mới với vài mặt hàng công nghệ nhạy cảm, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.

Thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Biden cho biết đang xem xét kỹ lưỡng các mức thuế mà cựu Tổng thống Trump áp đặt lên gần 400 triệu USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng không đưa ra hạn chót.

Trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại diện Thương mại Katherine Tai nhấn mạnh Mỹ chưa định dỡ bỏ thuế quan vì đây là yếu tố đem lại ưu thế trên bàn đàm phán.

Theo ước tính của tổ chức Tax Foundation công bố tháng 9.2020, thuế quan khiến các nhà sản xuất Mỹ tiêu tốn 80 tỷ USD. Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ như thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 quy định.

06tarrifs-alpha-videosixteenbynine3000-v2.jpg
Mỹ không vội dỡ bỏ thuế cho hàng Trung Quốc - Ảnh: The New York Times

Chuỗi cung ứng

Nhằm đảm bảo Mỹ có nguồn cung dược phẩm, chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm đa dạng và đáng tin cậy Tổng thống Biden vào tháng 2 đặt ra nhiệm vụ xem xét toàn bộ rủi ro đặt ra với những chuỗi cung ứng quan trọng trong vòng 100 ngày.

Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ An ninh nội địa, Bộ Y tế dự kiến sẽ sớm nộp báo cáo đánh giá.

Lệnh cấm đầu tư

Chính quyền Tổng thống Biden cũng chưa nói rõ họ sử dụng công cụ trừng phạt cứng rắn mà Tổng thống Trump để lại nhằm ngăn đơn vị Mỹ đầu tư vào công ty Trung Quốc có liên hệ hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát như thế nào.

CHDCND Triều Tiên

Chính quyền Tổng thống Biden thời gian gần đây nhiều lần báo hiệu sắp hoàn tất quá trình đánh giá chính sách với CHDCND Triều Tiêu. Tuy nhiên họ không cho biết có nhượng bộ để Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán hay không đồng thời tỏ rõ muốn áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn về nhân quyền, phi hạt nhân hóa và trừng phạt.

Cuba, Venezuela

Lúc tranh cử năm 2020, Tổng thống Biden từng cam kết đảo ngược chính sách hà khắc với Cuba của người tiền nhiệm. Đối tượng dễ bị bãi bỏ nhất là quyết định xem Cuba là nước tài trợ khủng bố mà cựu Tổng thống Trump đưa ra vào cuối nhiệm kỳ.

Nhưng chính quyền mới không vội vàng, vì bất cứ bước đi lớn nào cũng tiềm ẩn rủi ro tạo nên phản ứng chính trị ở bang Florida trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm sau. Cách tiếp cận cứng rắn từng giúp cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng tại Florida dù nhận thất bại chung cuộc.

Một vấn đề nữa là xây dựng chính sách mới với Venezuela, khi chích sách gây áp lực tối đa bằng trừng phạt không đủ để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

Cẩm Bình