Thức tỉnh mục đích sống – Chuyện gì rồi cũng qua đi
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:30, 30/04/2021
“Chuyện này rồi cũng sẽ qua”
Vua cho mời một nhà thông thái có tiếng đến và nói với ông: “Ta muốn được giống như ông. Ông có thể cho ta điều gì đó có khả năng mang lại sự quân bình, yên tĩnh và sáng suốt cho cuộc sống của ta không? Ta sẽ trả cho ông với bất cứ giá nào”.
Nhà thông thái trả lời: “Thần có thể giúp bệ hạ, nhưng giá cả thì chắc cả vương quốc của ngài cũng không thể trả nổi. Thần sẽ tặng cho bệ hạ nếu ngài hứa là sẽ tôn trọng nó”. Nhà thông thái ra đi sau khi nhà vua hứa sẽ làm theo lời ông dặn.
Vài tuần lễ sau, ông ta quay trở lại và trao cho nhà vua một chiếc hộp lộng lẫy, trên mặt có khảm ngọc bích. Nhà vua mở chiếc hộp ra và thấy bên trong chỉ vỏn vẹn một chiếc vòng bằng vàng nhỏ. Chiếc vòng có khắc dòng chữ: “Chuyện này rồi cũng sẽ qua”. Nhà vua thắc mắc hỏi: “Điều đó có nghĩa là gì?”. Nhà thông thái không trả lời, mà chỉ bảo: “Ngài nhớ luôn mang chiếc vòng này, dù có chuyện gì xảy ra, trước khi ngài cho rằng chuyện đó là tốt hay xấu, hãy nhớ đưa tay chạm vào chiếc vòng và đọc lên những chữ này. Ngài sẽ luôn được bình yên”.
“Chuyện này rồi cũng sẽ qua”, câu nói đơn giản này là gì mà có sức mạnh đến như vậy? Mới nhìn thoáng thì câu nói ấy có vẻ như tạo cho ta sự thoải mái, nếu ta vừa gặp phải một tình huống xấu, hoặc nó làm cho ta không quá mừng vui khi gặp một điều nào đó mà ta cho là tốt lành trong đời sống.
Những chữ khắc trên chiếc vòng này không hẳn là khuyên ta không nên vui mừng về những điều tốt lành xảy đến cho ta trong đời sống, chúng cũng không cố ý tạo ra niềm an ủi cho bạn trong những lúc bạn lâm vào một tình huống khó khăn. Chúng có một mục đích sâu hơn: Giúp bạn nhận thức được tính chất ngắn ngủi, tạm thời của mọi tình huống, bởi mỗi tình huống (tốt cũng như xấu) đều có tính chất nhất thời; khi nhận ra được tính nhất thời của mọi tình huống, bạn sẽ bớt vướng mắc hơn và tránh được thói quen tự đồng nhất mình với những biểu hiện tạm bợ đó.
Khi đã tách mình ra khỏi sự vướng mắc đó, bạn tự nhiên ở một chỗ đứng cao hơn, từ đó mà quan sát các sự kiện trong đời sống, thay vì mắc kẹt vào đó. Bạn giống như một nhà du hành nhìn quả đất được bao bọc bởi không gian bao la và bạn chợt nhận ra một chân lý ngược đời: Trái đất vừa rất quý giá mà đồng thời lại chẳng có ý nghĩa gì. Bạn bỗng nhận thức rằng “những thứ này rồi cũng sẽ qua đi”, điều này mang lại cho bạn sự thoát ly và cùng với sự thoát ly là một chiều không gian khác đi vào đời sống của bạn: Đó là chiều không gian bên trong.
Hạnh phúc và bất hạnh
Có nhiều câu chuyện về những người do gặp phải tai ương hay những bất hạnh lớn trong đời mà bỗng nhiên họ mất hết của cải, mất con cái, hoặc mất vợ hay chồng; có người thì mất đi một địa vị trong xã hội họ đã từng có trước đây, bị mất danh dự hay bị tàn tật, lúc đó họ thấy mình bỗng dưng trắng tay. Ta có thể nói rằng những người ấy bị rơi vào một tình huống khó khăn, bó buộc. Những gì họ tự đồng nhất mình, những gì thường tạo cho họ một cảm nhận, một giá trị về bản thân trước đây, bây giờ đều mất hết.
Khi có một mất mát lớn, bạn chỉ có hai cách: chống đối hoặc chấp nhận. Nhiều người trong chúng ta thường trở nên uất hận hay cay đắng, trong khi những người khác thì lại có nhiều lòng bao dung, thông thái và nhân ái hơn. Ở đây thái độ chấp nhận sự mất mát là chấp nhận trong thâm tâm mình những gì đang xảy ra. Bạn mở lòng ra với đời sống. Còn thái độ chống đối lại sự mất mát tức là thái độ co rúm lại ở bên trong, cốt chỉ để làm mạnh thêm cho cái vỏ bọc của bản ngã ở trong bạn. Lúc đó bạn dễ trở thành một người khép kín.
Khi sự chống đối đã có mặt ở trong bạn thì những gì bạn làm ở bên ngoài cũng sẽ tạo nên sự chống đối, và Đời sống sẽ không thể nâng đỡ cho bạn. Cũng như khi cánh cửa sổ nhà bạn đã đóng lại thì ánh sáng mặt trời sẽ không thể đi vào được. Còn khi bạn có sự chấp nhận ở nội tâm thì một chiều tâm thức mới sẽ mở ra. Lúc đó mọi người đều muốn hợp tác và giúp đỡ bạn. Nếu gặp phải một hoàn cảnh mà bạn không thể làm gì được, thì bạn sẽ an trú trong nỗi an bình và tĩnh lặng ở bên trong nhờ thái độ chấp nhận mọi chuyện xảy đến cho bạn.
Vào cuối thập niên 70, ngày nào tôi cũng đi ăn trưa với một hai người bạn ở một quán ăn thuộc trung tâm sinh viên của Đại học Cambridge tôi đang theo học. Có một người đàn ông đi xe lăn cũng thỉnh thoảng đến ngồi ở bàn bên cạnh; ông thường có ba, bốn người đi theo cùng.
Một ngày kia, khi ông ngồi ở bàn đối diện với chiếc bàn của tôi, tôi không thể nào ngăn mình khỏi việc nhìn ông ta chăm chú, và tôi cảm thấy rúng động bởi những gì tôi nhìn thấy. Người ông gần như tê liệt hoàn toàn, thân người rất gầy yếu, đầu thì luôn cúi gục về phía trước. Một trong những người đi theo ông rất cẩn thận đút thức ăn vào miệng cho ông, có nhiều thức ăn vung vãi rơi xuống một chiếc đĩa nhỏ do một người khác giữ ở dưới cằm ông. Thỉnh thoảng ông thều thào một vài chữ rất khó nghe và một người khác cúi người ghé sát tai vào miệng ông để lắng nghe; và lạ thay người đó lại diễn đạt được những gì ông muốn nói.
Sau đó tôi có hỏi người bạn của tôi và biết rằng ông là giáo sư toán ở một trường đại học và những người đi cùng với ông là những sinh viên đã tốt nghiệp. Ông bị một căn bệnh về thần kinh khiến cho các bộ phận trên cơ thể dần dần bị tê liệt. Ông chỉ sống được nhiều nhất là 5 năm nữa thôi. Đây có lẽ là một trong những số phận bi thảm nhất đối với một con người.
Sau đó vài tuần, khi tôi đang bước ra khỏi tòa nhà thì ông lăn xe đến và khi tôi giữ giúp cánh cửa để ông lăn xe vào thì mắt tôi chạm phải mắt ông. Tôi ngạc nhiên thấy rằng đôi mắt ông rất sáng và trong. Chẳng có dấu vết gì của một con người bất hạnh. Tôi biết ngay là ông đã từ bỏ tất cả sự chống đối và sống với sự chấp nhận hoàn toàn tình trạng sức khỏe của ông.
Vài năm sau, khi đang mua một tờ báo, tôi ngạc nhiên thấy hình ông ở trang nhất một tạp chí quốc tế rất nổi tiếng. Không những ông vẫn còn sống, mà ông đã trở thành một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới. Tên ông là Stephen Hawking. Trong bài báo, ông có nói một câu rất hay, khẳng định những gì tôi đã cảm nhận về ông vài năm trước đó khi tôi nhìn vào mắt ông: “Tôi như thế là quá hạnh phúc, chẳng còn mong muốn gì hơn những gì tôi đang có”.
Theo Thức tỉnh mục đích sống