Tốc độ tuyệt chủng của côn trùng đã đến mức báo động

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:39, 12/02/2020

Xác định nguyên nhân chính gây giảm số lượng và sự đa dạng của côn trùng là hoạt động của con người, các nhà khoa học kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu thế giới côn trùng và thực hiện các biện pháp thích hợp ngay bây giờ nhằm ngăn chặn tình trạng phá hủy môi trường sống bởi thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu.
Môi trường sống của côn trùng bị phá hủy, bị tấn công bởi thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu - Ảnh: Phys.org

Theo Phys.org, nguyên nhân khiến côn trùng tuyệt chủng là hoạt động của con người. Môi trường sống của côn trùng bị phá hủy, bị tấn công bời thuốc trừ sâu và biến đổi khí hậu. Việc giảm số lượng côn trùng dẫn đến một phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật sống khác và nền kinh tế.

Tốc độ tuyệt chủng hiện tại của các loài sinh học cao đến mức các nhà khoa học đang ngày càng phải lên tiếng về sự khởi đầu của một sự tuyệt chủng mới, lần thứ 6 tiếp theo trong lịch sử trái đất. Theo ước tính sơ bộ, khoảng một triệu loài động vật, thực vật và nấm có nguy cơ. Và khoảng một nửa trong số đó là côn trùng.

Theo các nhà khoa học, những sinh vật này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự phá hủy môi trường sống tự nhiên và ô nhiễm môi trường, chủ yếu là thuốc trừ sâu.

Các yếu tố khác bao gồm sự lây lan của các loài ngoại lai, con người khai thác quá mức của các quần thể sinh vật và biến đổi khí hậu. Sự tuyệt chủng của bất kỳ loài sinh vật nào cũng dẫn đến hậu quả tiêu cực, nhưng trong trường hợp côn trùng, tổn thất đặc biệt cao. Bướm, bọ cánh cứng, ong, kiến, chuồn chuồn và nhiều loài khác cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu, bao gồm thụ phấn, thu gom chất thải và chuyển chất dinh dưỡng. Chỉ riêng tại Mỹ, chi phí cho các dịch vụ sinh thái này ước tính khoảng 57 tỉ đô la hằng năm.

Ngoài ra, côn trùng được coi là cơ sở của chuỗi thức ăn. Nhiều động vật dựa vào chúng như một nguồn thực phẩm dồi dào và đáng tin cậy. Khi nguồn thức ăn này giảm đi, nhiều loài động vật cũng chết. Ví dụ, việc giảm số đầu chim Bắc Mỹ và châu Âu có thể chính là do số lượng côn trùng giảm.

Việc bảo vệ côn trùng rất phức tạp bởi thực tế là chúng vẫn còn được nghiên cứu rất ít. Các nhà côn trùng học tin rằng có khoảng 5,5 triệu loài côn trùng trên thế giới. Hơn nữa, chỉ có 1/5 sự đa dạng này được khoa học biết đến - khoảng 1 triệu loài, và chỉ có 8.400 trong số chúng được Liên minh Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) đưa vào Danh sách đỏ các loài bị đe dọa.

Số lượng chính xác của côn trùng đã biến mất do lỗi của con người vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể đạt tới 5-10% tổng số. Do côn trùng quan trọng hệ sinh thái và nền kinh tế, việc giảm số lượng của chúng sẽ dẫn đến hậu quả tai hại.

Để tránh thiệt hại, các nhà khoa học kêu gọi loài người thực hiện các biện pháp thích hợp ngay bây giờ. Sự tuyệt chủng của côn trùng chỉ là một trong nhiều vấn đề môi trường do hoạt động của con người gây ra.

Hơn 200 nhà khoa học thuộc tổ chức Future Earth tin chắc rằng đã đến lúc nói về sự sụp đổ có hệ thống trên hành tinh. Và có ít thời gian hơn để ngăn chặn nguy cơ đó. Các mô hình toán học mới nhất về biến đổi khí hậu trái đất đã điều chỉnh đáng kể dự báo về sự gia tăng của nhiệt độ trung bình hàng năm vào cuối thế kỷ này. Theo đó, trái đất sẽ nóng lên tới hơn 5°С, đẩy hầu hết các loài vào bờ vực tuyệt chủng.

Vũ Trung Hương