Về Nghị quyết 2573 do Việt Nam xây dựng được HĐBA thông qua
Hồ sơ - Ngày đăng : 12:41, 01/05/2021
Ngày 27.4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. (Nguồn: Twitter) |
Trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ngày 27.4 diễn ra thành công tốt đẹp với việc thông qua Nghị quyết 2573 về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang.
Hành trình đến với "quả ngọt"
Nghị quyết 2573 do Việt Nam, Chủ tịch luân phiên HĐBA tháng 4.2021, soạn thảo đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công vào dân thường tại các khu vực có xung đột vũ trang làm hư hại nghiêm trọng các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.
Nghị quyết cũng lên án mạnh mẽ việc để người dân bị rơi vào cảnh nạn đói như một phương thức tiến hành chiến tranh bởi điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế về đảm bảo các yêu cầu nhân đạo đối với người dân.
Nghị quyết 2573 là nghị quyết đầu tiên của HĐBA về chủ đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang.
Đặc biệt, nghị quyết do 64 quốc gia đồng bảo trợ và nhận được sự đồng thuận thông qua của 15/15 quốc gia.
64 nước đồng bảo trợ Nghị quyết 2573 gồm: Angola, Áo, Bangladesh, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Croatia, CH Czech, Đan Mạch, Djibouti, CH Dominican, Ecuador, Ai Cập, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Guatemala, Hungary, Iceland, Ấn Độ, Ireland, Italy, Nhật Bản, Kenya, Latvia, Lebanon, Lesotho, Liechtenstein, Luxembourg, Malaysia, Malta, Mauritania, Mexico, Mông Cổ, Morocco, Hà Lan, Niger, Na Uy, Pakistan, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, CH Moldova, Nga, Saint Vincent and the Grenadines, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Mỹ, và Việt Nam. |
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Nghị quyết 2573 có thể coi là di sản của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA nói riêng và trong cả nhiệm kỳ Ủy viên Không thường trực (UVKTT) HĐBA nói chung.
Bởi lẽ, đây là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua trong nhiệm kỳ UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020 – 2021. Trải qua chặng đường dài kể từ Nghị quyết 1889 (2009) về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Việt Nam thúc đẩy thông qua trong tháng Chủ tịch của Việt Nam tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009 (tháng 10.2009), Việt Nam một lần nữa ghi dấu ấn của riêng mình tại HĐBA thông qua Nghị quyết 2573.
Mặc dù quá trình thương lượng nghị quyết kéo dài trong gần hai tháng (từ tháng 3.2021), song quá trình lên ý tưởng, xây dựng nội dung ban đầu của nghị quyết đã kéo dài từ trước khi Việt Nam chính thức trở thành UVKTT HĐBA (từ năm 2019).
Nghị quyết 2573 được xuất phát từ chính những trải nghiệm của Việt Nam qua các cuộc chiến tranh, những khó khăn thực tế trong việc bảo vệ và duy trì khả năng vận hành các loại cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, cũng như những tác động nhiều mặt, trực tiếp và gián tiếp của tình trạng này đối với sự sống của người dân, quá trình tái thiết và xây dựng hòa bình bền vững hậu xung đột.
Trong khi đó, cách tiếp cận tại HĐBA nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đối với vấn đề bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang đến nay chủ yếu tập trung vào các nhóm thường dân cụ thể (như người bị mất tích, người khuyết tật , phóng viên …), hoặc các loại cơ sở hạ tầng cụ thể (như các cơ sở hạ tầng về y tế, cơ sở hạ tầng về nhân đạo…), chứ chưa có sự tổng thể, toàn diện, đặc biệt chưa thừa nhận được mối liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau giữa các loại cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như tác động lâu dài của việc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột.
7 thông điệp của Nghị quyết 2573
Nghị quyết 2573 do Việt Nam xây dựng và thúc đẩy có 7 nội dung mới đáng chú ý.
Một là, nhấn mạnh hệ quả của việc tấn công các cơ sở hạ tầng thiết yếu và nhân viên tham gia vào vận hành, sửa chữa, bảo trì cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với tình hình kinh tế - xã hội, nguồn lực của quốc gia trong xung đột, cản trở khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu của người dân.
Hai là, khẳng định hoạt động của các cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau (ví dụ, việc tấn công, phá hủy trạm điện, cơ sở xử lý nước có thể ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của bệnh viện, cơ sở sản xuất, phân phối lương thực…) và do đó, những cơ sở hạ tầng này đặc biệt dễ bị tổn thương trong xung đột.
Ba là, nhấn mạnh việc phá hủy, phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu có thể làm trầm trọng hơn tình hình tị nạn, lây lan dịch bệnh và cản trở các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Bốn là, nhấn mạnh cần khôi phục, tái thiết dịch vụ thiết yếu theo hướng bền vững, toàn diện hơn, nhằm đóng góp vào thúc đẩy một cách tiếp cận tổng thể đối với duy trì hòa bình ở các quốc gia xung đột và hậu xung đột.
Năm là, khuyến khích các nỗ lực hợp tác bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu và dịch vụ thiết yếu theo yêu cầu của quốc gia và phù hợp với nhu cầu cơ bản của người dân, thông qua bảo vệ nhân viên tham gia vận hành, sửa chữa, bảo trì cơ sở hạ tầng thiết yếu, và cho phép vận chuyển an toàn các trang thiết bị, phương tiện, nhiên liệu cần thiết cho các hoạt động nêu trên.
Sáu là, nhấn mạnh cần tăng cường hợp các quốc tế, thông qua hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, để hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của người dân trong xung đột, cho phép người dân phục hồi bền vững, bao gồm phục hồi sau đại dịch COVID-19, bảo vệ sinh kế, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và nâng cao sự tự cường cho cộng đồng dân cư.
Bảy là, kêu gọi nâng cao chuyên môn kỹ thuật cho các cơ quan LHQ tại địa phương để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân trong xung đột.