Giao phối cận huyết khiến quần thể voi ma mút trên đảo Wrangel tuyệt chủng

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:55, 11/02/2020

Nhóm nghiên cứu quốc tế khẳng định, những con voi ma mút cuối cùng sống trên đảo Wrangel ở Bắc Băng Dương khoảng 4000 năm trước tuyệt chủng vì giao phối cận huyết và sự tích lũy của các đột biến có hại.
Trong những ngày cuối cùng của mình, những con voi ma mút cuối cùng sống trên đảo Wrangel phải chịu đựng một loạt các khiếm khuyết di truyền - Ảnh: Depositphotos

Theo Phys.org, các nhà nghiên cứu xác nhận rằng quần thể voi ma mút cuối cùng sống trên đảo Wrangel, phải chịu đựng sự tích lũy của các đột biến có hại. Đặc biệt, những con vật bị mất một phần khả năng ngửi, hệ insulin của chúng hoạt động kém và khả năng sinh sản của con đực bị ảnh hưởng. Nguyên nhân sâu xa của tất cả những thay đổi này và cuối cùng là cái chết của quần thể là nhóm con đực ít ỏi - các con đực bị tuyệt chủng do giao phối cận huyết.

Những con voi ma mút cuối cùng trên thế giới sống trên đảo Wrangel ở Bắc Băng Dương khoảng 4000 năm trước. Quần thể này đã sống lâu hơn họ hàng của chúng ở lục địa Á - Âu và Bắc Mỹ, nhưng cuối cùng chúng cũng biến mất. Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã quyết định tìm hiểu điều gì đã đẩy những loài động vật này đến chỗ tuyệt chủng. Để làm điều này, họ đã nghiên cứu bộ gien của chúng.

Các nhà khoa học trước tiên so sánh ADN của voi ma mút từ đảo Wrangel với ADN của 3 con voi châu Á và 2 con voi ma mút trên đất liền. Điều này cho phép xác định một số đột biến duy nhất cho quần thể voi ma mút sống trên đảo. Những đột biến đó ảnh hưởng đến các gien chịu trách nhiệm cho một số chức năng quan trọng, bao gồm sự phát triển của hệ thần kinh, khả năng sinh sản của con đực, hoạt động của hệ insulin và khứu giác.

Để kiểm tra xem các biến thể di truyền này có thực sự gây hại hay không, các nhà khoa học đã đưa chúng vào nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm. Các gien đột biến đã không thể tạo ra protein. Điều này có nghĩa là voi ma mút trên đảo Wrangel phải đối mặt với một số vấn đề di truyền và cơ thể chúng không hoạt động đúng.

Dữ liệu của công trình nghiên cứu mới phù hợp với kết quả của một nghiên cứu năm 2017 với kết luận rằng quần thể voi ma mút cuối cùng của thế giới tuyệt chủng vì giao phối cận huyết và sự tích lũy của các đột biến có hại. Công trình phân tích mới cho phép làm rõ chính xác những vấn đề quần thể voi ma mút đó gặp phải, đã đẩy số lượng nhỏ voi ma mút trên đảo Wrangel đến chỗ tuyệt chủng. Theo các tác giả, những phát hiện của nghiên cứu này rất quan trọng không chỉ đối với cổ sinh vật học mà với cả việc bảo vệ các loài quý hiếm.

Trước đó, các nhà khoa học Nhật Bản đã có thể "đánh thức" các tế bào của voi ma mút, sống cách đây 28.000 năm. Đây là một bước quan trọng để tiến tới nhân bản những động vật khổng lồ bị tuyệt chủng.

Vũ Trung Hương