Ông Biden đề ra chính sách ngoại giao ‘thực tế’ với Triều Tiên

Chuyển động - Ngày đăng : 15:29, 01/05/2021

Nhà Trắng ngày 30.4 thông báo giới chức Mỹ sau khi hoàn tất quá trình đánh giá chính sách với CHDCND Triều Tiêu đã quyết định áp dụng cách tiếp cận mới.

Mục tiêu vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như tìm cách trung hòa chính sách của 2 người tiền nhiệm gần nhất.

Cựu Tổng thống Donald Trump triển khai mạnh mẽ nỗ lực ngoại giao với 3 cuộc gặp thượng đỉnh nhưng không đạt đột phá gì ngoài việc Triều Tiên tạm dừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Cựu Tổng thống Barack Obama chú trọng gây áp lực ngoại giao lẫn kinh tế, từ chối đàm phán với Triều Tiên trừ phi quốc gia Đông Bắc Á có bước đi giúp giảm căng thẳng. Ông duy trì trạng thái “kiên nhẫn chiến lược” chờ Bình Nhưỡng thay đổi hành vi, nhưng đổi lại chỉ là vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki: “Chúng tôi không tập trung vào việc đạt một thỏa thuận lớn, cũng không kiên nhẫn chiến lược. Thay vào đó Mỹ sẽ theo đuổi cách tiếp cận thực tế có điều chỉnh, cởi mở và tìm kiếm cơ hội ngoại giao với Triều Tiên, đạt tiến triển thực chất nhằm tăng cường an ninh cho Mỹ cùng đồng minh”.

3hnprsp4fjpfbaor4l2yepwovq.jpg
Ông Biden áp dụng cách tiếp cận mới với Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Psaki không cung cấp thông tin chi tiết. Bước đi hiện tại chỉ mới là bàn bạc với đồng minh: Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga 2 tuần trước, chuẩn bị gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 21.5 tới.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Mỹ trong suốt quá trình đánh giá chính sách vẫn luôn tham vấn họ. Washington cũng thông báo trước về quyết định dùng cách tiếp cận mới cho Seoul trước khi công bố chính thức.

Giám đốc tổ chức nghiên cứu 38 North Jenny Town đánh giá phác thảo chính sách Triều Tiên của Tổng thống Biden có vẻ tốt, tuy nhiên vẫn cần thêm thông tin chi tiết để đoán định xem mức độ thành công là bao nhiêu.

Tình hình còn tùy thuộc vào phía Triều Tiên – quốc gia đến nay vẫn một mực yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt mới chấp nhận khôi phục đối thoại. Nguy cơ Bình Nhưỡng khôi phục thử hạt nhân đang làm dấy lên lo ngại.

Nhà Trắng không nói gì về khả năng nhượng bộ để Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần tỏ ý muốn cứng rắn hơn về nhân quyền, phi hạt nhân hóa lẫn trừng phạt.

Cẩm Bình