Cách mạng mùa xuân Myanmar toàn cầu, nhiều vụ tấn công rocket và ném bom tòa nhà chính quyền quân sự
Quốc tế - Ngày đăng : 11:11, 02/05/2021
Nhiều cuộc biểu tình đã được phối hợp với các cộng đồng người nước ngoài trên khắp thế giới vào ngày 2.5 để đánh dấu điều mà các nhà tổ chức gọi là "cuộc cách mạng mùa xuân Myanmar toàn cầu".
"Làm rung chuyển thế giới bằng tiếng nói đoàn kết của người dân Myanmar", các nhà tổ chức cho biết.
Chưa có báo cáo ngay lập tức về bạo lực tại các cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình chỉ là một trong những vấn đề mà các tướng lĩnh gặp phải sau khi lật đổ chính phủ dân cử vào ngày 1.2 do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Các cuộc chiến với quân nổi dậy dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới xa xôi ở phía bắc và phía đông đã gia tăng đáng kể trong 3 tháng qua, khiến hàng chục ngàn thường dân phải di tản, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.
Ở một số nơi, thường dân với vũ khí tạm thời đã chiến đấu với lực lượng an ninh. Trong khi ở các khu vực trung tâm, các cơ sở quân sự và chính quyền được đảm bảo an toàn trong nhiều thế hệ đã bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công rocket và hàng loạt vụ nổ nhỏ không rõ nguyên nhân.
Trong bản tin chính vào tối 1.5, Đài truyền hình nhà nước Myanmar đưa tin chi tiết về ít nhất 11 vụ nổ trong 36 giờ qua, hầu hết ở thành phố Yangon. Nó báo cáo một số thiệt hại nhưng không có thương vong.
Chưa nhóm nào thông báo chịu trách nhiệm.
"Một số kẻ bạo loạn không muốn sự ổn định của nhà nước đã ném và đặt những quả bom thủ công vào các tòa nhà chính quyền lẫn trên các con đường công cộng", Đài truyền hình nhà nước Myanmar, do quân đội điều hành, cho biết.
Kênh Khit Thit Media đưa tin về một vụ nổ bên ngoài doanh trại cảnh sát ở Yangon vào sáng sớm 2.5. Các phương tiện đã bốc cháy nhưng Khit Thit Media không đưa ra bất kỳ thông tin về thương vong nào.
Sau đó, Khit Thit Media báo cáo một vụ nổ khác trong thành phố Yangon. Một cổng thông tin ở bang Shan, phía đông bắc Myanmar, báo cáo một vụ nổ bên ngoài nhà của một doanh nhân nổi tiếng.
Hãng Mizzima đưa tin dòng người biểu tình, một số do các nhà sư Phật giáo dẫn đầu, đã đi qua các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước, bao gồm cả Yangon và thành phố Mandalay thứ hai Myanmar, nơi hai người bị bắn chết.
Trang Irrawaddy trước đó đã đăng bức ảnh một người đàn ông được cho là nhân viên an ninh mặc thường phục đang ngắm bắn bằng súng trường ở Mandalay.
Hãng thông tấn Myanmar Now cho biết hai người đã thiệt mạng ở thị trấn Wetlet và hai người chết ở thị trấn khác ở bang Shan phía đông bắc đất nước. Một người cũng thiệt mạng tại thị trấn khai thác ngọc bích phía bắc Hpakant, Kachin News Group đưa tin.
Nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 763 người biểu tình kể từ cuộc đảo chính.
Cầm quyền trong gần 50 năm cho đến khi một quá trình cải cách cách đây 1 thập kỷ được khởi động, quân đội nói rằng những người biểu tình bị giết vì gây ra bạo lực. Quân đội cho biết một số thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình và chiến dịch bất tuân dân sự song song với việc đình công đã làm tê liệt nền kinh tế Myanmar, làm nhiều người nghèo có nguy cơ đói nghèo hơn.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo tác động kép của đại dịch và cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar do đảo chính quân sự gây ra có thể khiến gần một nửa dân số, khoảng 25 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2022.
Trong một báo cáo , UNDP cho biết ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng có thể đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.
"COVID-19 và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra là những cú sốc phức tạp đẩy những người dễ bị tổn thương nhất lùi lại và ngày càng lún sâu vào đói nghèo", Trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của UNDP, Kanni Wignaraja, nói với Reuters.
Bà Kanni Wignaraja nói: “Những thành tựu phát triển đạt được trong một thập kỷ chuyển đổi dân chủ, dù nó có thể không hoàn hảo, cũng đang bị xóa bỏ trong vài tháng nữa”, đồng thời cho biết thêm rằng tiến bộ của Myanmar có thể được thiết lập lại như từ năm 2005 khi nước này còn nằm dưới sự cai trị của quân đội và một nửa dân số là người nghèo.
Tính đến cuối năm ngoái, trung bình 83% hộ gia đình cho biết thu nhập của họ đã bị giảm gần một nửa do đại dịch COVID-19.
Số người Myanmar sống dưới mức nghèo khổ ước tính đã tăng 11 điểm % do ảnh hưởng kinh tế - xã hội của đại dịch.
Báo cáo cho biết phụ nữ và trẻ em phải chịu gánh nặng lớn nhất trong các cuộc khủng hoảng.
"Một nửa số trẻ em ở Myanmar có thể phải sống trong cảnh nghèo đói trong vòng 1 năm", Kanni Wignaraja nói, đồng thời cho biết thêm những người phải di dời trong nước cũng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn.
Báo cáo cho biết tỷ lệ nghèo đô thị dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, trong khi tình hình an ninh đang phá vỡ chuỗi cung ứng và cản trở sự di chuyển của người dân, dịch vụ và hàng hóa, bao gồm cả hàng hóa nông nghiệp.
Theo báo cáo, áp lực lên đồng Kyat của Myanmar cũng làm tăng giá nhập khẩu và năng lượng, trong khi hệ thống ngân hàng vẫn bị tê liệt.
Bà Wignaraja cho biết: “Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, quy mô của cuộc khủng hoảng đòi hỏi một phản ứng khẩn cấp và thống nhất của quốc tế”.