Úc xem xét hủy hợp đồng thuê cảng 99 năm của công ty quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 03/05/2021

Úc sẽ xem xét hợp đồng thuê cảng thương mại và quân sự ở phía bắc nước này đến 99 năm của công ty Trung Quốc, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Các quan chức quốc phòng đang kiểm tra xem liệu Landbridge Group, thuộc sở hữu của tỷ phú Ye Cheng (Trung Quốc), có bị buộc phải từ bỏ quyền thuê cảng ở Darwin, thủ phủ của Lãnh thổ Bắc Úc, vì lý do an ninh quốc gia hay không, tờ Sydney Morning Herald cho biết.

Ủy ban an ninh quốc gia Úc yêu cầu Bộ quốc phòng "chú ý một số lời khuyên" về hợp đồng cho thuê và việc xem xét đang được tiến hành.

Bộ Quốc phòng Úc, các văn phòng Landbridge Group ở Úc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra đã không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Landbridge, công ty có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, đã thắng một cuộc đấu thầu vào năm 2015 để vận hành cảng trong một thỏa thuận trị giá 506 triệu USD Úc (390 triệu USD Mỹ).

Quyết định này làm dấy lên sự chú ý vì cảng này nằm ở sườn phía nam các hoạt động của Mỹ ở Thái Bình Dương. Truyền thông Úc đưa tin, Tổng thống Barack Obama vào năm 2015 từng bày tỏ sự tức giận với Thủ tướng Úc khi đó là Malcolm Turnbull vì không thông báo cho ông về thỏa thuận này.

Tuần trước, Thủ tướng Úc hiện tại - Scott Morrison cho biết ông sẽ hành động dựa trên quyền sở hữu của cảng nếu các lo ngại về an ninh quốc gia được đưa ra.

uc-xem-xet-huy-hop-dong-thue-cang-99-nam-hinh-anh3.jpg
Máy móc tại cảng Darwin, nằm ở thủ phủ Darwin của Lãnh thổ phía Bắc Úc
uc-xem-xet-huy-hop-dong-thue-cang-99-nam-hinh-anh.jpg
Các tàu đậu tại cảng Darwin ở miền bắc Úc

Úc đã đại tu luật đầu tư nước ngoài của mình gần 1 năm trước, cho phép chính phủ thay đổi hoặc áp đặt các điều kiện mới với một thỏa thuận hoặc buộc hủy bỏ ngay cả khi đã được Ban Đánh giá và Đầu tư Nước ngoài phê duyệt.

Hôm 20.4, Bộ trưởng Ngoại giao Úc - Marise Payne cho biết bà đã quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận hợp tác giữa bang Victoria với Trung Quốc theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, kế hoạch cơ sở hạ tầng và thương mại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sáng kiến Vành đai và Con đường là mạng lưới cơ sở hạ tầng lớn mà Trung Quốc sử dụng để tạo ra đòn bẩy tài chính và địa chính trị.

Theo một quy trình mới ở Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne có quyền xem xét các giao dịch đạt được với các quốc gia khác của các bang và trường đại học nước này.

Bà Marise Payne nói đã quyết định hủy 4 thỏa thuận, trong đó có 2 thỏa thuận mà bang Victoria đã đồng ý với Trung Quốc vào năm 2018 và 2019, về hợp tác với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

"Tôi coi bốn thỏa thuận này là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc hoặc bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi", bà Marise Payne tuyên bố. Hai thỏa thuận còn lại bị hủy là giữa bang Victoria với Iran và Syria.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết "không hài lòng và kiên quyết phản đối" việc hủy thỏa thuận này.

"Đây là một động thái vô lý và khiêu khích khác mà phía Úc thực hiện chống lại Trung Quốc. Nó càng cho thấy rằng Chính phủ Úc không có sự chân thành trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc - Úc", Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc nói.

Mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng vào năm 2018 khi Úc trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc - Huawei khỏi mạng 5G của họ. Mối quan hệ trở nên tồi tệ vào năm ngoái khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của sự bùng phát coronavirus.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết động thái mới nhất của Úc "chắc chắn sẽ gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương chính mình".

Quốc hội liên bang Úc đã trao quyền phủ quyết với các thỏa thuận nước ngoài của các bang vào tháng 12.2020 trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng sâu sắc với Trung Quốc, quốc gia đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Úc, từ rượu vang đến than đá.

Thủ tướng Scott Morrison và người tiền nhiệm Malcolm Turnbull đã từ chối đồng ý với một bản ghi nhớ cấp quốc gia với Trung Quốc về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Thế nhưng, Thủ hiến bang Victoria - Labour Dan Andrews lại ký thỏa thuận với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc để thúc đẩy sáng kiến ​​này trong năm 2018, 2019.

Một số quốc gia lo ngại việc cho vay kèm theo Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể dẫn đến mức nợ không bền vững ở các nước đang phát triển, bao gồm cả khu vực các đảo ở Thái Bình Dương.

Chính quyền Scott Morrison đã phủ nhận rằng việc hủy bỏ hai thỏa thuận trên là nhắm vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc và là nguồn cung cấp sinh viên đại học lớn nhất ở nước ngoài trước khi đại dịch khiến Úc phải đóng cửa biên giới.

Nhân Hoàng