Thế vận hội Tokyo có nguy cơ bị hủy vì khủng hoảng y tá

Thể thao - Ngày đăng : 05:52, 04/05/2021

Một số y tá ở Nhật Bản vô cùng bức xúc trước yêu cầu từ ban tổ chức Olympic Tokyo yêu cầu 500 người trong số họ được cử đến để giúp đỡ các trận đấu. Các y tá nói rằng họ đã chịu đựng hết nổi khi phải đối phó với đại dịch COVID-19.
1000-5-.jpeg
Biểu ngữ "No Olympics" (Không tổ chức Thế vận hội) được đặt bởi những người biểu tình ở Tokyo trong cuộc biểu tình phản đối việc sắp diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Các nhà tổ chức Olympic cho biết họ sẽ cần 10.000 nhân viên y tế để theo dõi các trận đấu, và yêu cầu triển khai thêm y tá được đưa ra trong bối cảnh có sự gia tăng đột biến COVID-19, trong đó Tokyo và Osaka đang ở trong tình trạng khẩn cấp.

Mikito Ikeda, một y tá ở Nagoya, miền trung Nhật Bản chia sẻ: “Ngoài cảm giác tức giận, tôi còn thấy choáng váng trước sự vô cảm. Nó cho thấy tính mạng của con người đang bị coi nhẹ như thế nào".

Lời kêu gọi triển khai thêm y tá là ví dụ điển hình của những thay đổi ngẫu hứng diễn ra gần như hàng ngày khi các nhà tổ chức và Ủy ban Olympic Quốc tế cố gắng thực hiện cho bằng được sự kiện này trong bối cảnh đại dịch.

Thế vận hội sẽ khai mạc chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, kéo theo đó là những màn nhập cảnh vào Nhật Bản của hơn 15.000 vận động viên Olympic và Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật) cùng hàng nghìn quan chức, giám khảo, nhà tài trợ, phương tiện truyền thông và đài truyền hình khác.

Trong một tuyên bố từ Liên đoàn Công nhân Y tế Nhật Bản, tổng thư ký Susumu Morita cho biết trọng tâm nên tập trung vào đại dịch, không phải Thế vận hội.  Morita nói: “Chúng ta chắc chắn phải dừng đề xuất cử các y tá tình nguyện đến Olympic, những người được giao nhiệm vụ chống lại đại dịch COVID-19 nghiêm trọng”.

“Tôi vô cùng tức giận bởi trước sự kiên quyết tổ chức Thế vận hội bất chấp rủi ro đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân và y tá”.

Một thông điệp phản đối nói rằng các y tá phản đối việc tổ chức Thế vận hội đã lan truyền trên Twitter của Nhật Bản gần đây, được tweet lại hàng trăm nghìn lần.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các y tá Nhật Bản đã bị làm việc quá sức và được trả lương thấp so với những người chung ngành nghề ở Mỹ hoặc Anh.

Ikeda, người đã làm y tá được 10 năm cho biết, công việc điều dưỡng không chỉ tổn hại về mặt thể chất mà còn làm hao mòn tinh thần. Ông cho biết nhiều y tá lo lắng về việc bản thân bị nhiễm bệnh, với tỷ lệ tiêm phòng vắc xin ở Nhật Bản được báo cáo chỉ là 1-2%.

Ikeda nói: “Thật khó để các bệnh viện điều động dù chỉ một y tá, vậy mà họ muốn tới 500 người. Làm sao họ nghĩ điều đó có thể thực hiện được?”. Số ca tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản vừa vượt qua con số 10.000.

Tạp chí Y khoa Anh tháng trước nói rằng Nhật Bản nên "xem xét lại" việc tổ chức Thế vận hội, cho rằng "các sự kiện tập hợp đổng đảo quần chúng quốc tế ... vẫn không an toàn và không đảm bảo".

Haruo Ozaki, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo, cho biết sẽ “cực kỳ khó khăn” để tổ chức Thế vận hội vì các biến thể mới đang lây nhiễm rộng rãi.

Ông cũng giải thích rằng cộng đồng y tế của Nhật Bản đang thiếu nhân lực khi vừa phải điều trị bệnh nhân vừa phải thực hiện việc triển khai tiêm phòng vắc xin.

“Chúng tôi đã nghe quá đủ về lập luận tâm linh trong việc muốn thực hiện Thế vận hội”, Ozaki nói. “Rất khó để tổ chức Olympic mà không làm gia tăng các ca lây nhiễm, cả trong và ngoài Nhật Bản”.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gợi ý rằng các y tá đã nghỉ việc có thể đến giúp đỡ cho Thế vận hội, mặc dù một số đơn nghỉ việc là hệ quả của công việc căng thẳng chăm sóc cho bệnh nhân coronavirus.

“Tôi nghe nói rằng nhiều người đang dành thời gian nghỉ ngơi, vậy họ có thể đến giúp Thế vận hội”, ông Suga nói vào tuần trước, trong một nhận xét bị chỉ trích rộng rãi.

Các vận động viên sẽ thi đấu trong một “bong bóng” tại Thế vận hội, được đặt tại Làng vận động viên trên Vịnh Tokyo và di chuyển xung quanh bằng xe buýt được chỉ định đến các địa điểm và khu vực tập luyện. Hàng trăm căn phòng cũng được thiết lập bên ngoài ngôi làng để tiếp nhận những người bị bệnh.

Các nhà tổ chức sẽ yêu cầu kiểm tra hàng ngày cho các vận động viên và những người tham gia khác, một nhiệm vụ quan trọng đối với nhân viên y tế.

Các cuộc điều tra dư luận cho thấy có tới 80% người Nhật muốn Thế vận hội bị hủy hoặc hoãn lại. Phần lớn số tiền để tổ chức Thế vận hội, ước tính chính thức lên tới 15,4 tỉ USD, đang được chi trả bởi những công dân đóng thuế Nhật Bản.

“Tình hình cực kỳ nghiêm trọng,” nhà lập pháp Tomoko Tamura cho biết gần đây. “Các y tá không biết làm thế nào để họ có thể xử lý tình huống này. Họ hoàn toàn không thể chịu đựng được”.

Hoàng Phương