Mỹ - Nhật có thể hợp tác chặn tàu ngầm Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 12:08, 05/05/2021
Cựu sĩ quan Mỹ phụ trách tác chiến tàu ngầm Tom Shugart chỉ ra: “Mỗi căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc đều có một khoảng nước nông mà tàu ngầm phải di chuyển qua để đến khu vực nước sâu”. Google Earth hiển thị vùng duyên hải Trung Quốc bằng màu xanh nhạt (nước nông), khác với vùng duyên hải phía đông Đài Loan và Nhật Bản màu xanh đậm.
Tàu ngầm khi đã đi vào khu vực nước sâu thì khó bị phát hiện. Trực tiếp đến vùng biển sâu là ưu thế của tàu ngầm Đài Loan, Nhật Bản mà phía Trung Quốc không thể có được.
“Nếu muốn tiến ra ngoài, tàu ngầm Trung Quốc cần vượt hàng loạt điểm nghẽn và eo biển. Điều này tạo điều kiện cho đối thủ - Mỹ cùng đồng minh - giám sát chặt chẽ và cố gắng đánh chặn khi tàu ngầm tham gia một cuộc tấn công quân sự nào đó”, cựu sĩ quan Shugart phân tích.
Theo nhà chính trị học Jeffrey Hornung thuộc tổ chức nghiên cứu RAND, Nhật Bản hoàn toàn đủ sức đảm đương vai trò ở “điểm nghẽn” chặn tàu ngầm Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga lúc gặp nhau tháng trước đã nhấn mạnh phải giữ gìn hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan, làm nổi lên tranh luận hai nước hợp tác ra sao trong vấn đề này.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin giới thiệu khái niệm “răn đe tích hợp”, kêu gọi đồng minh chung tay chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh tương lai không giống như chiến tranh trước đây.
Nhật có chuỗi đảo Nansei trải dài từ Kyushu đến Đài Loan. Chuỗi đảo chia thành từng cụm nhỏ gồm Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako, Yaeyama. Tháng 4 vừa qua Trung Quốc cho nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển qua eo biển Miyako trước khi đi về hướng Đài Loan.
“Hãy nhìn chuỗi đảo Nansei, lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật hoàn toàn có thể chặn kín mọi lối di chuyển, khiến Trung Quốc không thể tiếp cận Đài Loan hay đi chuyển đến biển Hoa Đông nơi Mỹ - Nhật sẽ hợp tác nắm quyền kiểm soát”, nhà chính trị học Hornung nhận định. Ông nói thêm: “Nhật càng tăng cường khả năng phòng thủ bằng tên lửa hành trình chống hạm hay máy bay tuần tra P-3C săn tàu ngầm, Mỹ càng có nhiều nguồn lực dùng cho cuộc chiến (nếu nổ ra)”.
Cựu sĩ quan Shugart đánh giá hạm đội tàu ngầm diesel - điện mà Nhật sở hữu hoàn toàn phù hợp cho nhiệm vụ làm “điểm nghẽn”, vì chúng hoạt động rất yên tĩnh. Còn tàu ngầm hạt nhân Mỹ hoạt động tốt hơn ở vùng biển sâu (đuổi theo kẻ thù hoặc phóng tên lửa từ nơi bí mật).
Trung tướng về hưu Wallace Gregson ấn tượng với “răn đe tích hợp” của Bộ trưởng Austin. Ông nhận xét khái niệm này mạnh mẽ hơn từ “tương tác” mà Mỹ sử dụng lâu nay.
Để đạt năng lực “răn đe tích hợp”, Mỹ phải xây dựng kế hoạch tổng thể chi tiết để mỗi bên biết được mình đóng vai trò gì, phản ứng ra sao trước mối đe dọa, điều đòi hỏi Washington - Tokyo làm việc cùng nhau nhiều hơn nữa, theo trung tướng Gregson.