Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada ủng hộ Đài Loan dự cuộc họp WHO, đòi Trung Quốc cho điều tra ở Tân Cương
Quốc tế - Ngày đăng : 08:17, 06/05/2021
Hôm 5.5, các nhà ngoại giao của G7 (7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada) đã kêu gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan tham gia các cuộc họp của WHO, đồng thời thúc giục Trung Quốc đáp ứng "nghĩa vụ quốc tế" về nhân quyền và tự do.
Trước đây, Trung Quốc luôn phản đối việc Đài Loan dự cuộc họp của WHO.
"Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc và nền kinh tế có năng lực công nghệ tiên tiến, tham gia một cách xây dựng vào hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ", các bộ trưởng G7 cho biết trong một thông cáo kết thúc cuộc họp kéo dài 3 ngày của họ.
Về căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan, các bộ trưởng G7 đã sử dụng những cụm từ giống như Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga nói trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh gần đây của họ.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”, các bộ trưởng nói. Họ bày tỏ phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương có thể gây mất ổn định khu vực, lưu ý mối quan ngại liên quan đến "các báo cáo về quân sự hóa, cưỡng bức và đe dọa trong khu vực".
Trung Quốc là chủ đề thảo luận chính xuyên suốt các cuộc hội đàm và gặp gỡ bên lề, đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của các bộ trưởng G7 kể từ năm 2019 và đặt trọng tâm vào các giá trị chung. Thông cáo về Đài Loan có khả năng gây ra phản ứng từ Trung Quốc, vốn coi tình trạng của hòn đảo là "lợi ích cốt lõi" không thể thương lượng.
Thông cáo chung của các bộ trưởng G7 cũng lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời ủng hộ lập trường của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khi kêu gọi cho Đài Loan tham gia các cuộc họp của WHO và Đại hội đồng Y tế Thế giới, các bộ trưởng nói: "Cộng đồng quốc tế sẽ có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của tất cả các đối tác, bao gồm cả sự đóng góp thành công của Đài Loan trong việc xử lý đại dịch COVID-19".
Hiện Đài Loan kiểm soát dịch tốt, mới ghi nhận 1.160 ca mắc COVID-19 với 12 người chết và 1.074 trường hợp đã phục hồi.
Gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ở Tân Cương và Tây Tạng, họ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với "quyền tiếp cận độc lập và không bị ràng buộc" để Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc điều tra tình hình ở Tân Cương.
Các bộ trưởng cho biết "vẫn quan tâm sâu sắc đến quyết định của Trung Quốc về cơ bản là làm xói mòn các yếu tố dân chủ của hệ thống bầu cử ở Hồng Kông". Các bộ trưởng kêu gọi chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông ngừng nhắm mục tiêu vào các quyền, tự do và giá trị dân chủ đang được bảo vệ, đặc biệt lưu ý rằng các vụ án tư pháp không được chuyển cho đại lục.
Các câu hỏi về thực tiễn của Trung Quốc mở rộng sang lĩnh vực kinh tế. Nói về các hành động làm suy yếu "các hệ thống kinh tế tự do và công bằng", các bộ trưởng G7 tuyên bố sẽ làm việc cùng nhau để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Trộm cắp tài sản trí tuệ được kích hoạt trên mạng cũng đã được đề cập.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cho biết họ "tìm kiếm cơ hội làm việc với Trung Quốc để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu".
Thông cáo dài 27 trang đã được các bộ trưởng ngoại giao G7 đại diện cho Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản, cũng như Liên minh châu Âu nhất trí.
Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi đã được mời tham dự các phần cuộc họp, thể hiện sự quan tâm của nước chủ nhà Anh trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Những thách thức của việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp trong đại dịch COVID-19 đã được đưa ra trước khi toàn bộ phái đoàn Ấn Độ phải cách ly hôm 5.5 do lo sợ lây lan COVID-19 vì có 2 ca dương tính. Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ, sau đó đã tham gia hầu hết cuộc họp dưới hình thức trực tuyến.
Với tư cách là người chủ trì các cuộc họp, Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về nhiều lợi ích chung của chúng tôi, bao gồm dòng chảy thương mại mở, an ninh khu vực và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững trên khắp Ấn Độ Dương và hơn thế nữa. Rõ ràng là G7 cùng các khách mời tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng đã chia sẻ những điểm chung quan trọng về sự cần thiết phải củng cố, bảo vệ các xã hội và nền kinh tế mở cũng như các quy tắc, chuẩn mực và giá trị làm nền tảng cho họ".
Trong ba ngày họp, các mối đe dọa gia tăng với dân chủ, tự do và nhân quyền, bao gồm cả Trung Quốc và cuộc đảo chính ở Myanmar, cũng như Nga, Iran, bạo lực ở Ethiopia và cuộc chiến tại Syria đã được thảo luận.
Các quốc gia khách mời đã tham gia thảo luận về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bữa làm việc vào tối 4.5, cũng như các phiên họp ngày 5.5, bao gồm phục hồi sau đại dịch, giáo dục trẻ em gái và hành động vì khí hậu.
Trong thông cáo chung, các bộ trưởng G7 lên án "bằng những điều kiện mạnh mẽ nhất" cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Họ bày tỏ tình đoàn kết với những người ủng hộ dân chủ và hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN nhằm tìm kiếm một giải pháp và ngăn chặn ngay lập tức bạo lực. Mối quan tâm cũng được bày tỏ với nhân quyền và tình hình nhân đạo ở đó.
Về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, họ ủng hộ tài liệu chính sách về Triển vọng ASEAN.
Bên trên là một phần trong hàng loạt cuộc họp trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Cornwall, Anh từ ngày 11 đến 13.6.