Hội nghị G7: Đoàn Ấn Độ cách ly, cả nhóm tỏ quyết tâm cứng rắn với Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 09:40, 06/05/2021
Hội nghị G7 lần này là cơ hội khởi động lại những cuộc gặp ngoại giao trực tiếp, tạo điều kiện cho phương Tây thể hiện sự đoàn kết cùng chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
Ấn Độ tham gia với tư cách khách mời (cùng Úc, Nam Phi, Hàn Quốc) nhưng kế hoạch bị xáo trộn bởi 2 trường hợp dương tính, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar chỉ có thể dự họp bằng hình thức trực tuyến.
Nước chủ nhà Anh quy định thời gian cách ly là 10 ngày và hội nghị vẫn diễn ra đúng kế hoạch. Trước lo ngại tổ chức họp trực tiếp giữa lúc dịch bệnh còn phức tạp là sai lầm, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định duy trì hoạt động gặp mặt đối thoại là điều quan trọng.
Trước thềm hội nghị G7, Thủ tướng Johnson cùng người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã làm việc trực tuyến. Hai ông thông qua kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế lẫn an ninh song phương 10 năm mang tên “Roadmap 2030”.
Tại cuộc họp trực tiếp, giữa các Ngoại trưởng được ngăn cách bởi màn nhựa trong suốt. Lúc chụp ảnh họ cũng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2 mét.
Hội nghị kết thúc bằng một tuyên bố chung chỉ trích Nga là quốc gia thù địch, Trung Quốc là kẻ bắt nạt. Dù cam kết thúc đẩy nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn chính sách kinh tế mang tính cưỡng ép của Trung Quốc cũng như chống lại chiến dịch tung tin sai lệch của Nga, G7 không đưa ra biện pháp cụ thể. Loạt vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Ukraine cũng được bàn luận đến.
Đặc biệt nhóm còn cam kết làm việc với các bên liên quan tăng quy mô sản xuất vắc xin COVID-19 với giá cả phải chăng, khuyến khích cấp phép và chuyển giao công nghệ tự nguyện phục vụ sản xuất vắc xin.
Nhật, Hàn, Mỹ bàn về Triều Tiên
Bên lề hội nghị G7, ba Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn tiến hành hội đàm quanh một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó có nỗ lực tái khởi động đàm phán với CHDCND Triều Tiên.
Ba Ngoại trưởng nhất trí giữ vững hợp tác ở vấn đề Triều Tiên, thực hiện đầy đủ mọi nghị quyết Liên hợp quốc liên quan.
Hôm 30.4, Nhà Trắng thông báo chính sách Triều Tiên mới: Mục tiêu vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn nhưng không tập trung vào việc đạt một thỏa thuận lớn và cũng không kiên nhẫn chiến lược. Thay vào đó, Mỹ sẽ theo đuổi cách tiếp cận thực tế có điều chỉnh, cởi mở và tìm kiếm cơ hội ngoại giao.
Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết. Bước đi hiện tại chỉ mới là bàn bạc với đồng minh Nhật và Hàn Quốc.