Ấn Độ phá kỷ lục ca bệnh và tử vong do COVID-19, chiếm gần 1/2 bệnh nhân toàn cầu tuần trước

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:50, 06/05/2021

Hôm 6.5, Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục về ca bệnh mới và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, lần lượt là 412.262 và 3.980, khi làn sóng dịch thứ hai tràn vào hệ thống y tế và lan từ các thành phố đến vùng nông thôn rộng lớn.

Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã tăng lên 21 triệu người, với số người chết là 230.168 người.

Trong một báo cáo hàng tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Ấn Độ chiếm gần một nửa số ca nhiễm coronavirus được báo cáo trên toàn thế giới vào tuần trước và 1/4 số ca tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết số liệu thực tế của Ấn Độ có thể gấp 5 đến 10 lần con số chính thức.

Ấn Độ có 3,45 triệu ca mắc COVID-19 đang hoạt động.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ diễn ra gay gắt nhất ở Thủ đô New Delhi, nhưng ở các khu vực nông thôn - nơi sinh sống của gần 70% trong tổng số dân 1,35 tỉ của Ấn Độ thì việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng hạn chế đang đặt ra nhiều thách thức hơn.

Suresh Kumar, điều phối viên thực địa của Manav Sansadhan Evam Mahila Vikas Sansthan - tổ chức từ thiện nhân quyền, cho biết: “Tình hình đã trở nên nguy hiểm ở các ngôi làng”.

Tại một số ngôi làng, nơi Manav Sansadhan Evam Mahila Vikas Sansthan hoạt động ở bang miền bắc Uttar Pradesh và khu vực sinh sống của khoảng 200 triệu người, "hầu hết ngôi nhà đều có người chết", Suresh Kumar nói.

"Mọi người sợ hãi và co ro trong nhà vì sốt và ho. Các triệu chứng đều là của COVID-19, nhưng không có thông tin, nhiều người nghĩ rằng đó là bệnh cúm theo mùa", ông chia sẻ thêm.

Bang Goa, điểm du lịch cực kỳ nổi tiếng ở bờ biển phía tây Ấn Độ, có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước, cứ hai người thì có một người có kết quả dương tính những tuần gần đây, các quan chức chính phủ cho biết.

K. VijayRaghavan, cố vấn khoa học hàng đầu Ấn Độ, đã cảnh báo về một làn sóng nhiễm trùng thứ ba có thể xảy ra.

Giai đoạn 3 là không thể tránh khỏi, với mức độ lưu hành của coronavirus cao. Nhưng không rõ giai đoạn 3 này sẽ xảy ra trên quy mô, thời gian nào... Chúng ta nên chuẩn bị cho những đợt sóng mới", K. VijayRaghavan cho biết.

an-do-lai-pha-ky-luc-ve-ca-benh-va-tu-vong-do-covid-19.jpg
Người đàn ông ngồi bên cạnh giàn thiêu của người thân chết vì COVID-19 trong quá trình hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi đã bị chỉ trích dữ dội vì không hành động sớm hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, sau khi các lễ hội tôn giáo và các tập hợp tình chính trị thu hút hàng chục ngàn người những tuần gần đây trở thành sự kiện "siêu lan truyền".

Sự gia tăng các ca bệnh cũng đồng thời với sự sụt giảm đáng kể số lượng tiêm chủng do các vấn đề về nguồn cung và giao hàng, mặc dù Ấn Độ là nước sản xuất vắc xin lớn.

Dù vậy, hôm 5.5 đã có 1,9 triệu mẫu xét nghiệm COVID-19 sau khi số lượng giảm xuống những ngày trước, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ do nhà nước điều hành cho biết trên Twitter. Xét nghiệm COVID-19 hàng ngày đạt mức cao nhất là 1,95 triệu hôm 1.5.

Tổng thống Joe Biden hôm 5.5 đã ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19, nhún nhường trước áp lực gia tăng từ các nhà lập pháp Dân chủ và hơn 100 quốc gia khác, nhưng khiến các công ty dược phẩm Mỹ tức giận.

Về lý thuyết, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ cho phép bất kỳ nhà sản xuất dược phẩm nào trên thế giới cũng có thể “bắt chước” sản xuất vắc xin mà không sợ bị kiện vì vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 của Mỹ bị ảnh hưởng bởi thông báo trên. Giá cổ phiếu Moderna, BioNTech và Novavax giảm từ 3% đến 6% trước giờ đóng cửa tại New York.

Chính quyền Donald Trump kiên quyết phản đối việc từ bỏ quyền sáng chế, song ông Biden lại làm ngược lại khiến các công ty dược phẩm Mỹ rơi vào tình cảnh rối bời.

Katherine Tai, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Biden, cảnh báo rằng việc cân nhắc sẽ mất thời gian nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường sản xuất, phân phối vắc xin và nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất chúng trên khắp thế giới.

Nhân Hoàng