Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi tìm 'Miền xanh thẳm' của Trần Hoài Dương
Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 06/05/2021
Như Một Thế Giới đã đưa tin, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhà văn Trần Hoài Dương, sáng nay (6.5.2021) Hội Nhà văn TP.HCM cùng gia đình tác giả tổ chức buổi tọa đàm Trần Hoài Dương – Cuộc đời và tác phẩm.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà lý luận phê bình, nhà văn, thơ cùng đại diện gia đình tác giả.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã có bài phát biểu đánh giá nhìn nhận sự nghiệp văn chương của nhà văn Trần Hoài Dương dưới nhiều góc độ khác nhau.
Nhà văn Trần Hoài Dương được biết đến nhiều trong những trang sách giáo khoa suốt hàng chục năm nay. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Miền xanh thẳm...
Ông gần như dành cả cuộc đời của mình để sáng tác văn học cho lứa tuổi thiếu nhi. Tác phẩm của ông hướng trẻ em và những người yêu trẻ, yêu văn học tới những nét đẹp trong trẻo, hồn hậu trong cuộc sống con người, thiên nhiên, vạn vật.
Theo dự kiến, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có mặt trong buổi tọa đàm, tuy nhiên do dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gửi bài tham luận của mình đến chương trình
Một Thế Giới xin giới thiệu đến bạn đọc bài tham luận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi tọa đàm này:
Đi tìm Miền xanh thẳm...
(Nguyễn Quang Thiều)
‘’ Tuổi ấu thơ đã xa rồi, không bao giờ tôi còn được hưởng lại những ngày thần tiên ấy nữa. Những ngày ấy cứ xa vời, xanh thẳm, hun hút bay về phương trời phía sau, tôi cố ngoái lại, cố nằm bắt mà không sao níu giữ được’’.
Đấy là những lời tự sự của nhà văn Trần Hoài Dương. Đó là sự tiếc nuối. Trong sự tiếc nuối đó lại tràn ngập vẻ đẹp diệu kỳ của ấu thơ. Nhưng ngay lúc đó, trước mắt tôi hiện lên một con đường, một con đường kỳ lạ. Và trên con đường ấy, tôi thấy nhà văn Trần Hoài Dương trở về với tuổi ấu thơ của mình. Sau mỗi bước chân trên con đường đó, ông già Trần Hoài Dương mỗi lúc một trẻ lại và biến thành cậu bé Trần Hoài Dương. Cậu trở về Miền xanh thẳm của cậu. Cậu đã run lên vì hạnh phúc. Tôi tin là như vậy. Bởi lúc này, lòng tôi cũng đang ngân vang về một miền của tôi mà Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương chính là đã nguồn cảm hứng dẫn tôi trở về nơi chốn của chính mình.
Sau khi đọc xong Miền xanh thẳm lần thứ hai (lần thứ nhất tôi đọc cách đây gần 20 năm), tôi càng nhìn rõ hơn cái MIỀN ấy của nhà văn Trần Hoài Dương. Nó nằm ở đâu? Nó nằm trong tấm bản đồ tâm hồn ông. Tác phẩm Miền xanh thẳm ra đời hơn 20 năm trước. Và trong hơn 20 năm qua, biết bao thay đổi mà tôi cũng không tưởng tượng được đã diễn ra trong đời sống con người trên xứ sở này. Có rất nhiều điều của 20 năm trước đã biến mất khỏi đời sống con người. Và bây giờ, cho dù nó xuất hiện trở lại nó cũng đầy nguy cơ trở thành một thứ xa lạ và vô cảm với con người đương thời. Nhưng một điều kỳ lạ xuất hiện, đó là khi cái MIỀN của nhà văn Trần Hoài Dương hiện ra, ngay lập tức nó trở thành giấc mơ da diết và ngập tràn xúc động đối với tôi và tôi tin đối với rất nhiều người đang sống.
Bởi trong cái MIỀN ấy chứa đựng nhân tính, tình yêu thương, lòng biết ơn, những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ lạ và giấc mơ làm người. Mà những vẻ đẹp ấy quả thực đang từng ngày rời bỏ đời sống mà quá nhiều người không nhận ra. Họ chỉ nhận ra sự trống rỗng đang chiếm đoạt từng phần tâm hồn họ. Và họ sống trong một câu hỏi : sao đời sống vật chất mỗi ngày một đầy đủ mà họ vẫn không có khả năng chạm vào hạnh phúc. Câu trả lời thật đơn giản: là họ không tìm được cái MIỀN của họ.
Toàn bộ Miền xanh thẳm là những năm tháng ấu thơ mà nhà văn Trần Hoài Dương đã sống. Nhân vật Thiện chính là cậu bé Trần Hoài Dương thuở ấu thơ. Cho dù không hoàn toàn chính xác như vậy nhưng cậu bé mang tên Thiện là nơi chứa đựng toàn bộ ký ức của Trần Hoài Dương. Ông kể lại những năm tháng ấu thơ của mình. Mà hơn cả sự kể là ông thực sự sống lại một lần nữa phần đời sống quan trọng nhất cuộc đời mà ông đã sống và đã đi qua. Tất cả những gì ông viết không có một chút gì được cường điệu hóa. Tất cả hiện lên nguyên khối đời sống tươi ròng của những năm tháng ông đã sống. Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang. Bởi thế, mọi điều bình thường nhà văn Trần Hoài Dương đặt bút viết đều được thiêng liêng hóa.
Bởi thế mà Miền xanh thẳm của ông được dựng lên và không có một cái tên nào khác đúng với bản chất của câu chuyện này hơn nó. Tôi là kẻ sinh sau ông nhưng cũng may mắn được sống một phần những năm tháng mà nhà văn Trần Hoài Dương sống. Bởi thế, khi đọc tác phẩm này, tôi đã được chính nhà văn dẫn tôi trở về ấu thơ của mình bằng một con đường kỳ lạ. Tôi đã tìm thấy cậu bé mang tên Thiều ở đó với toàn bộ những năm tháng cậu bé ấy sống.
Khi một trái tim của tình yêu thương và đầy giấc mơ đẹp đẽ rung lên, nó sẽ làm cho tất cả mọi cảnh vật, mọi con người, mọi câu chuyện quanh đó cũng ngân lên kỳ diệu. Trái tim của nhà văn Trần Hoài Dương là vậy. Ông đã làm cho đời sống những năm tháng ấy của đất nước đầy khó khăn, gian khổ ngân vang. Những năm tháng ấu thơ của nhà văn Trần Hoài Dương là những năm tháng vô cùng khó khăn của đất nước. Những đứa trẻ sống trong một điều kiện sống vô cùng thiếu thốn, chúng phải xa nhà, phải lao động vất vả, phải sống trong đói rét.
Nhưng giấc mơ của chúng thật lộng lẫy. Và đấy là con đường mà mỗi con người phải tìm thấy để đời sống của kiếp người có ý nghĩa. Những giấc mơ của cậu bé Thiện và những cô cậu bé thuở ấy làm cho không ít những cô cậu ngày nay và cả những người lớn đương thời cảm thấy xấu hổ. Họ đã sống trong những điều kiện sống mà cậu bé Thiện thuở trước có trí tưởng tượng đến đâu cũng không hình dung được. Nhưng họ chẳng làm sao tìm được một giấc mơ đẹp đẽ, họ chẳng tìm thấy được một ‘’miền xanh thẳm’’ của họ.
Một điều vô cùng đặc biệt là, nhà văn Trần Hoài Dương thường xử dụng những đoạn văn của những nhà văn lớn để nói về khát vọng và lý tưởng sống của những đứa trẻ.
- Vào đời, vào đời để hiến cho đời tất cả những gì tốt đẹp và nhân đạo của tâm hồn, trí óc ta.
- Dòng suối đổ vào sông. Con sông đổ ra dải trường giang Vonga. Con sông Vonga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu tổ quốc…
- Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh. Lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ.
Những năm tháng đó, sách thực sự là niềm cảm hứng vô tận cho hành động sống của con người. Những cuốn sách ông nhắc tới trong câu chuyện là những cuốn sách mà thế hệ ông hay thế hệ tôi sau này đều đọc và đều đắm mê. Những cuốn sách thực sự thay đổi con người. Những nhân vật từ trong các cuốn sách bước ra và hòa vào đời sống tinh thần của cậu bé Trần Hoài Dương, cậu bé Nguyễn Quang Thiều và bao cậu bé khác trên xứ sở này. Điều này, cho dù nhà văn Trần Hoài Dương viết cách đây hơn 20 năm nhưng lại đang là một nhu cầu lớn để tạo dựng con người hôm nay.
Chúng ta đang bắt đầu phục dựng văn hóa đọc cho cộng đồng. Quá nhiều những đứa trẻ thời nay đã rời xa những cuốn sách như thế. Chúng đang rời xa những vẻ đẹp trong sáng và lớn lao. Chúng sẽ tìm ra con đường của cuộc đời chúng như thế nào. Nhà văn Trần Hoài Dương không có ý định dự báo. Nhưng khi ông đã nhìn thấu bản chất của đời sống và văn hóa thì những gì ông viết ra sẽ trở thành chân lý.
Trong Miền xanh thẳm có bốn yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân tính được theo đuổi trong toàn bộ tác phẩm. Đó là gia đình với người sống, người mất, là xã hội, là thiên nhiên và là văn hóa ( thông qua những cuốn sách và những câu chuyện hành xử của con người). Những yếu tố quan trọng nhất ấy đã làm cho những đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế. Những đoạn văn ông viết về những người thân yêu đặc biệt là người mẹ đã mất đẹp và xúc động đến nhường nào.
Người mẹ luôn hiện lên trong mọi vui buồn của ông. Người mẹ hiện lên nhân hậu, yêu thương và lặng lẽ chỉ qua những câu văn giản dị đến nhói lòng. Ông nói về người mẹ đã khuất của mình nhưng lại làm cho tôi và chắc chắn nhiều người khác nhớ về mẹ mình da diết.
Nhà văn Trần Hoài Dương rất giỏi khi tạo dựng nhân vật. Khi viết về ông Thơ, một nạn nhân của cải cách ruộng đất, ông chỉ dùng một chi tiết nhỏ nhưng lại dựng lên một bi kích lớn của lịch sử : "Tôi cứ quanh quẩn hết đứng lại ngồi bên cạnh mộ mẹ tôi suốt từ trưa tới gần tối mới dám lẻn đến thăm ông vì sợ người làng trông thấy. Có người ở xa đến, làng xóm biết sẽ phiền cho ông bà. Vừa trông thấy tôi, ông ôm chầm ngay lấy rồi cứ thế lặng lẽ khóc không ra tiếng. Ông thì thảo hỏi tôi : "Cháu đến đây có ai thấy không ?", tôi nói không, ông vẫn chưa yên tâm, lom khom bước ra ngoài sợ hãi nhìn bao quát khắp lượt".
Cả một quá khứ kinh hoàng đè nặng lên một thân phận như ông Thơ. Một nỗi sợ hãi bủa vây cuộc đời một con người như không còn lối thoát nào cho con người ấy. Nỗi kinh hoàng càng ghê gớm thì sự ám ảnh của nó càng kéo dài có khi hết cả đời một con người.
Hơn 20 năm kể từ ngày Miền xanh thẳm ra đời. Đời sống đã hoàn toàn thay đổi. Chẳng còn mấy những đứa trẻ phải sống trong đói rét như cậu bé Thiện. Nhưng vẻ đẹp của đời sống thì không bao giờ thay đổi. Ước mơ làm một người tử tế để dâng hiến cho con người, cho dân tộc không bao giờ thanh đổi. Con đường đi tới hạnh phúc thực sự cũng không không thay đổi. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong Miền xanh thẳm. Và đấy chính là điều tôi xin được nói lời biết ơn nhà văn Trần Hoài Dương, người đã dựng lên một MIỀN cho rất nhiều người đang sống. Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương chính là biển chỉ dẫn cho con người đi tìm Miền xanh thẳm của chính mình.