Hà Nội cùng 4 tỉnh làm đường vành đai 4 hơn 100.000 tỉ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:35, 06/05/2021

Đường vành đai 4 với chiều dài 98km trị giá hơn 100.000 tỉ đồng sẽ đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành phố để tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng và phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh...

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 6.5 đã làm việc với 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, tuyến đường vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành nhưng đã quá tải so với thiết kế. Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc, cũng như các tỉnh phía Tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội hiện nay chủ yếu thông qua tuyến đường vành đai 3. Do vậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.

Theo Quy hoạch được duyệt, tuyến đường vành đai 4 sẽ là tuyến đường vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của thành phố.

Dự án đường vành đai 4 - "vùng thủ đô" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).

Trong giai đoạn trước, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiên cứu đầu tư phần tuyến nằm trên địa phận thành phố, kết quả đã có 3 nhà đầu tư đề xuất đối với 4 đoạn tuyến theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, BOT. Tuy nhiên, theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18.8.2020 thì loại hợp đồng BT không còn được quy định trong Luật.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô theo quy mô mặt cắt của từng đoạn tuyến qua các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều có những hạn chế riêng, cùng với những khó khăn về nguồn lực đầu tư, cơ chế và hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư... nên đến nay, dự án vẫn đang tiếp tục trong giai đoạn nghiên cứu.

Về công tác bồi thường, lãnh đạo thành phố cho biết Nhà nước sẽ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 1 lần theo đúng chỉ giới đường đỏ (B=120m) bằng vốn đầu tư công, đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn để đầu tư đồng bộ nhằm đảm bảo tính kết nối và hiệu quả đầu tư. Theo đó sẽ cần có 1 đơn vị đứng ra chủ trì đầu tư toàn tuyến để đảm bảo khớp nối đồng bộ quy mô, các yếu tố kỹ thuật đồng nhất trên toàn tuyến.

Qua rà soát tính toán sơ bộ, để đầu tư toàn tuyến vành đai 4, phần kinh phí đầu tư xây dựng theo phương án cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỉ đồng, theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỉ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB theo chỉ giới 120m khoảng 25.000 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội khoảng 16.000 tỉ đồng, Hưng Yên khoảng 3.500 tỉ đồng, Bắc Ninh khoảng 5.500 tỉ đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận.

"Vì vậy, Hà Nội và các tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng thỏa thuận hợp tác và tờ trình chung, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường, cùng với đó là một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 trong thời gian tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

img_8204.jpg.jpg
Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải và thành phố Hà Nội cùng các tỉnh liên quan về triển khai tuyến đường vành đai 4 

Tuyết Nhung