Những mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất vào ngày mai 8.5

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:07, 07/05/2021

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chưa thể xác định chính xác thời gian và điểm rơi của các mảnh vỡ.

Hôm 29.4, tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phóng module lõi trạm không gian lên vũ trụ thành công bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5B, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc xây dựng trạm không gian riêng của nước này.

Tuy nhiên, tên lửa nói trên thay vì rơi xuống địa điểm đã được định trước trên biển, nó lại bắt đầu xoay quanh địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát. 

Theo Inverse, tên lửa nặng 22,5 tấn của Trung Quốc nhiều khả năng lao xuống Trái đất một cách không kiểm soát trong vài ngày tới. Rất khó để dự đoán thời gian, vị trí rơi của tên lửa Trường Chinh 5B này. 

Các mảnh vỡ có thể rơi xuống đại dương (bao phủ 70% diện tích Trái đất), nhưng quỹ đạo thất thường có thể khiến nó rơi xuống các khu dân cư bao ở New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha), một phần Chile và New Zealand.

Trang Space Track sẽ cập nhật hằng ngày dự đoán vị trí rơi và chính phủ Mỹ sẽ cung cấp thông tin bổ sung ngay khi có thể. Các tổ chức khác cũng phát hiện vật thể này đang di chuyển ở tốc độ hơn 6,4km/giây, đủ nhanh để bay vòng quanh Trái đất trong chưa đầy 2 giờ/vòng.

2021-04-29t072125z_1512157050_rc2j5n9ic870_rtrmadp_3_space-exploration-china-tianhe_phgu.jpg

Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module Thiên Hà cho trạm vũ trụ của Trung Quốc cất cánh ngày 29.4.2021 - Ảnh: Internet

“Lực lượng vũ trụ Mỹ đang chú ý theo dõi vị trí của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B trong vũ trụ, nhưng điểm rơi chính xác của nó chưa thể định rõ cho tới vài giờ trước khi hồi quyển, dự kiến vào ngày 8.5”, phát ngôn viên Mike Howard của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.

Khi lao qua khí quyển Trái đất, vật thể trên có thể bị thiêu cháy, nhưng nhiều khả năng vẫn còn mảnh lớn sót lại. Hiện không ước đoán được sẽ còn bao nhiêu mảnh vỡ sót, nhưng ông Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho rằng chúng sẽ “đủ để gây hư hại”.

“Trong lần phóng gần đây nhất của tên lửa Trường Chinh 5B, một cuộn kim loại lớn và dài bay qua bầu trời, rơi phá hỏng vài tòa nhà ở nước Bờ Biển Ngà. Phần lớn vật thể bốc cháy, nhưng vẫn còn nhiều mảnh kim loại khổng lồ rơi xuống đất. Rất may mắn là không ai bị thương”, ông McDowell nói thêm.

_118384244_gettyimages-1232570710.jpg

Cũng theo ông McDowell, sự cố này có thể phòng tránh ngay từ đầu. Các tên lửa thường tuân thủ một trong 2 quy trình thiết kế tiêu chuẩn, gồm bộ phận đẩy nhằm hướng tên lửa vào điểm hạ cánh an toàn dưới nước, hoặc trang bị hệ thống ổn định, động cơ tái khởi động để giảm tốc độ, xoay hướng giúp chúng đáp xuống đại dương.

McDowell cho rằng tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc không được trang bị một trong 2 hệ thống trên. “Do đó, nó chỉ quay về Trái đất một cách không kiểm soát, điều bất thường với những tên lửa hiện nay”, ông cho biết.

Dù không có quy định toàn cầu về việc thiết kế những hệ thống trên, các cơ quan vũ trụ trên thế giới vẫn thường tham khảo và áp dụng.

Đây là lần phóng đầu tiên trong 11 lần phóng để hoàn thiện trạm vũ trụ mới của Trung Quốc, dự kiến hoàn thành năm 2022. Trạm Thiên Hà sẽ bay quanh quỹ đạo Trái đất ở độ cao 340 - 450km. Trạm có khối lượng vào khoảng 80 - 100 tấn, lớn gấp rưỡi trạm ISS. Trong các nhiệm vụ sắp tới, Trung Quốc sẽ phóng thêm 2 module lõi, 4 tàu vũ trụ có người lái và 4 tàu chở hàng.

Tháng 5.2020, xác tên lửa Trung Quốc nặng 17,8 tấn đã rơi xuống Trái đất hoàn toàn mất kiểm soát. Vào thời điểm đó, tờ Live Sience dẫn lời ông Jonathan McDowell, cho biết xác tên lửa Trường Chinh 5B là rác vũ trụ nặng nhất rơi xuống Trái đất trong vòng 3 thập niên trở lại đây.

Đan Thuỳ