Các nhân viên hối hận khi tiếp tay cho ông chủ Nhật Cường buôn lậu
Sự kiện - Ngày đăng : 12:38, 07/05/2021
Ngày 7.5, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) về tội “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục diễn ra.
Kết thúc phần tranh luận, trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng. Là người đầu tiên bước lên bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) cho biết bản thân vừa buồn, vừa chua xót; bị cáo xin HĐXX xem xét đến hoàn cảnh của nhóm bị cáo tại Công ty Nhật Cường.
“Các bị cáo ở đây đều đến từ những vùng quê rất nghèo, ra đây mưu sinh. Các bị cáo không hề biết ông Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, hiện đang bỏ trốn); hơn nữa, sự lựa chọn làm việc ở Nhật Cường là ngẫu nhiên, chủ quan, không phải cố tình”, bị cáo Ánh nói và mong HĐXX xem xét cho tinh thần hợp tác và thành khẩn khai báo của các bị cáo.
Về phần mình, bị cáo Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường) đã không giữ được bình tĩnh, bật khóc. Trong tiếng khóc nghẹn, bị cáo Phong giãi bày: “Bản thân bị cáo chưa làm tròn trách nhiệm người con, người cha, người chồng. Bị cáo xin HĐXX mở lượng khoan hồng cho bị cáo và một số bị cáo khác có hoàn cảnh khó khăn”.
Chỉ là lái xe tại Công ty Nhật Cường nhưng bị cáo Nông Văn Lư lại bị cuốn vào con đường buôn lậu số lượng hàng “khủng” của ông chủ Bùi Quang Huy, theo lời bị cáo Lư, bản thân Lư sinh ra trong gia đình thuộc diện nghèo. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, không hiểu biết về pháp luật, vô tình giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu nên bị cáo mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh của bị cáo và các bị cáo ở đây đều là người làm công ăn lương.
Anh trai của Bùi Quang Huy là bị cáo Bùi Quốc Việt cũng không kìm chế được cảm xúc mà bật khóc khi nói lời sau cùng: “Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho tất cả nhân viên Công ty Nhật Cường”.
Các bị cáo còn lại khi được nói lời sau cùng đều xin HĐXX xem xét tới hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh phạm tội của họ để mở lượng khoan hồng, cho họ có cơ hội sớm trở về với gia đình, xã hội.
‘Công ty Nhật Cường nhiều lần bị xử phạt hành chính’
Trong phần tự bào chữa, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Ánh trình bày: “Ngay từ giai đoạn điều tra, bị cáo đã ý thức được trách nhiệm của mình trong vụ án. Từ đầu, bị cáo rất ăn năn hối cải và tích cực giúp CQĐT khai thác hệ thống dữ liệu của Công ty Nhật Cường liên quan các hành vi buôn lậu, trốn thuế để sớm hoàn thiện hồ sơ”.
Với mức án đề nghị của VKS, bị cáo thấy “sốc” bởi không phải bị cáo biết Công ty Nhật Cường buôn lậu nhưng vẫn thực hiện. Bị cáo Ánh dẫn chứng, Công ty Nhật Cường đã nhiều lần bị xử phạt hành chính và tịch thu sản phẩm do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ. Khi đó, bị cáo có thắc mắc thì được Bùi Quang Huy giải thích là “không sao”, “ai sợ thì nghỉ việc”.
Tháng 9.2018, khi lô hàng điện thoại di động của Công ty Nhật Cường bị bắt ở Sân bay Nội Bài, Ánh mới biết việc công ty đang làm là buôn lậu. Bị cáo Ánh khai mình định xin nghỉ việc nhưng “được níu lại để giúp công ty rút dần khỏi mảng kinh doanh này, hỗ trợ hơn 500 nhân sự không bị mất việc làm”. Vì vậy, Ánh cho rằng bị cáo không cố tình phạm tội và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Theo luận tội của VKS, Trần Ngọc Ánh được Bùi Quang Huy giao phụ trách mọi hoạt động mua bán, quản lý hàng hóa và thuê địa điểm mở chi nhánh. Ánh với lãnh đạo khác trực tiếp giao dịch với các nhà cung cấp và đường dây vận chuyển hàng lậu về Việt Nam để thống nhất giá, số lượng, chủng loại và thời gian giao nhận hàng.
Ngoài ra, VKS còn nhận định bị cáo Ánh còn tư vấn cho Bùi Quang Huy về số lượng, loại hàng hóa để Tổng giám đốc Nhật Cường đặt mua. VKS xác định Trần Ngọc Ánh phải chịu trách nhiệm về hành vi buôn lậu lô hàng trị giá hơn 2.900 tỉ đồng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Ánh phân tích rằng với tội buôn lậu, mục đích duy nhất là thu lợi bất hợp pháp cho bản thân, trong vụ án này là mục đích của Bùi Quang Huy bởi Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy sở hữu toàn bộ, bị cáo Ánh là người làm công ăn lương và chỉ hoàn thành công việc để nhận lương. Ngoài ra, nhận thức chủ quan của bị cáo là quá trình kéo dài, chuyển biến theo thời gian, không phải bị cáo biết việc buôn lậu ngay từ đầu.
Trong phần tranh luận, đa phần các luật sư đồng tình với đại diện VKS khi đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo nhưng vẫn đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo về việc đã tích cực giúp CQĐT làm rõ vụ án và mong muốn HĐXX xem xét, cân nhắc cho bị cáo được hưởng mức hình phạt ở mức thấp nhất của khung hình phạt, tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội phấn đấu quay trở lại cuộc sống bình thường, làm người có ích cho xã hội.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, chủ tọa tuyên bố 15 giờ ngày 10.5, HĐXX sẽ tuyên án.