Xe khách, taxi… liên tỉnh không được đón, trả khách tại vùng có dịch

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:41, 07/05/2021

Các xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt có hành trình qua vùng có dịch không được dừng, đỗ tại để đón, trả khách.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

xe-khach.jpg
Dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp -  Ảnh: Internet

Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ tình hình thực tế của dịch bệnh COVID-19 tại địa phương quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển trên toàn tỉnh (hoặc tại địa bàn trong tỉnh) đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh/liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt trong địa bàn tỉnh/liên tỉnh.

Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt có hành trình qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) không được dừng, đỗ tại tỉnh hoặc địa bàn tỉnh (vùng có dịch) đó để đón, trả khách.

Các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt không qua tỉnh hoặc địa bàn tỉnh, vùng có dịch thực hiện bình thường.

Đối với lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế quyết định việc dừng, giãn, hoãn, điều chỉnh tần suất hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải thủy nội địa, hàng hải và các tuyến từ bờ ra đảo nội tỉnh/liên tỉnh; không hạn chế khai thác đối với các chuyến tàu không vận chuyển hành khách.

Riêng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam theo dõi tình hình thực tế và đề xuất kịp thời các phương án vận tải, bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19.

Quá trình quản lý hoạt động vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cục liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, nhà ga, bến tàu, bến xe, cảng hàng không, sân bay thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu 5K của Bộ Y tế, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn chống dịch; xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa dịch trong hoạt động vận tải; tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.

Sở GTVT TP. Hà Nội yêu cầu đơn vị vận tải sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách một ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép (đối với xe khách giường nằm thực hiện chở đúng số người cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và không vượt quá 30 người trên phương tiện, kể cả lái và phụ xe).

Với xe buýt, thực hiện vận chuyển không quá 50% số chỗ (đứng, ngồi) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe).

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu trên các phương tiện vận chuyển hành khách phải có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang; chủ động bố trí số lượng phương tiện để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm bảo đảm phòng chống dịch; cung cấp đầy đủ thông tin hành khách cho bến xe khi xe chuẩn bị xuất và đến bến (lưu trữ tối thiểu 21 ngày); chịu trách nhiệm trước việc cung cấp thông tin phòng chống dịch cho cơ quan chức năng thực hiện truy vết; thực hiện khai báo y tế; tất cả hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu phà...), người điều khiển và phục vụ phương tiện phải thực hiện đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong suốt thời gian di chuyển.

Lam Thanh