Phú Quốc: Hồ nước Dương Đông có nguy cơ cạn, thiếu nước cung cấp cho dân
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:23, 28/03/2020
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này dung tích trong hồ chứa nước Dương Đông còn khoảng dưới 1,8 triệu mét khối. Mực nước hiện tại là 20,31 mét, so với mực nước chết là 5,71 mét.
Nhưng theo dự báo, hồ này chỉ đủ cung cấp trên toàn địa bàn huyện đến đầu tháng 5.2020. Nếu như qua tháng 5, thời tiết không mưa thì tình hình thiếu nước ở Phú Quốc sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy, công ty sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước hồ Dương Đông để có hướng điều chỉnh công suất cho phù hợp với dung tích chứa theo thời điểm của hồ, để đảm bảo cấp nước trong mùa khô năm 2020.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt TT.Dương Đông, An Thới, khu vực Bãi Trường, các doanh nghiệp, khu resort... chủ động nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước. Huyện cũng đã bàn kế hoạch với chi nhánh cấp nước Phú Quốc có phương án khoan một số giếng ở khu vực gần hồ nước Dương Đông để kịp thời cung ứng nước khi tình huống xấu có thể xảy ra.
Hiện nay hồ nước Dương Đông được chuẩn bị nâng cấp, mở rộng, đưa công suất từ 20.000m3 lên 30.000m3/ngày đêm, dự kiến năm 2021 hoàn thành. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp đáp ứng nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, Phú Quốc đang đề xuất với các sở, ngành Kiên Giang để sớm triển khai xây dựng hồ nước xã Cửa Cạn. Riêng một số hồ nước, như hồ Suối Lớn (xã Dương Tơ), Rạch Cá (xã Hàm Ninh), Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) cũng đã có chủ trương giao cho các nhà đầu tư xây dựng.
Riêng tại địa bàn TP.Rạch Giá và vùng lân cận, hiện nay tình hình sử dụng nước đang ổn định. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết, nhờ có những giải pháp của UBND tỉnh Kiên Giang đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt ngay từ tháng 7.2019, đến nay việc cung cấp nước sinh hoạt của công ty vẫn đảm bảo. Cụ thể, hồ chứa nước và kênh dẫn nước Tà Tây 560.000m3 hiện mực nước trong hồ, kênh vẫn duy trì ở trạng thái đầy. Hồ chứa nước Mạc Cửu dung tích 50.000m3 cũng đang ở trạng thái đầy.
Ngoài ra, đơn vị này còn có hệ thống giếng khoan dự phòng gồm 20 giếng đã được lắp đặt bơm chìm, với tổng công suất khoảng 25.000m3/ngày. Còn hệ thống cấp nước ở khu vực H.Kiên Lương, khu vực TP.Hà Tiên, H.Giồng Riềng, Tân Hiệp… vẫn thu được nước và đảm bảo công suất phát nước bình thường.
Tại khu vực cấp nước nông thôn, đến thời điểm này vẫn ổn định, chưa có nơi nào thiếu nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Kiên Giang, hiện nay đơn vị đang quản lý tổng số 50 công trình cấp nước tập trung. Trong đó 17 trạm sử dụng nước mặt, 33 trạm sử dụng nước ngầm, tổng công suất hiện tại trên 32.200m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước cho 56.340 khách hàng trên địa bàn khu vực nông thôn trong tỉnh.
Tuy nhiên do tình hình thời tiết khô hạn và diễn biến phức tạp cộng với nhu cầu dùng nước của người dân tăng vào mùa khô nên viêc cung cấp nước ở một số xã đảo và một số điểm cấp nước ở điểm cuối tuyến bị thiếu nguồn. Vì vậy, thời gian này, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước.
Trung tâm cũng tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt; sớm hoàn thành các công trình cấp nước sinh hoạt đang triển khai, nhất là ở các huyện có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước. Trước mắt tập trung khoan thêm 4 giếng tạo nguồn ở các xã Đông Thái (H.An Biên), Cửa Cạn (H.Phú Quốc), Minh Thuận (H.U Minh Thượng), Bình An (H.Kiên Lương). Tiến hành cho thổi rửa 25 giếng khoan sẵn có và nâng cấp sửa chữa mở rộng tuyến ống ở các trạm cấp nước để đảm bảo khả năng phục vụ cấp nước 24/24 giờ.
Lê Tháp Mười