Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 liệu có hữu ích?

Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 13:01, 08/05/2021

Việc Mỹ ủng hộ tạm đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 có thể là chiến thuật khiến các nhà sản xuất nhượng bộ bằng cách chia sẻ công nghệ hay mở rộng liên doanh, qua đó giúp thúc đẩy sản lượng toàn cầu tăng nhanh.

Theo phe ủng hộ việc tạm đình bảo hộ chỉ quyền sở hữu trí tuệ, đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm tại hàng loạt quốc gia thu nhập trung bình và thấp tăng nhanh, trong khi phần lớn vắc xin rơi vào những nước giàu có.

Nhưng dư luận cho rằng chỉ một bước đi riêng lẻ không thể mang lại điều kỳ diệu. Nhiều chuyên gia dự báo phải đến năm 2022 thì sản lượng mới tăng rõ rệt nhờ tạm đình bảo hộ chỉ quyền sở hữu trí tuệ (nếu được Tổ chức Thương mại thế giới thông qua).

Chuyên gia về chuỗi cung ứng Prashant Yadav thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) cho biết rào cản lớn nhất ngăn nguồn cung vắc xin tăng lên là tình trạng thiếu nguyên liệu và cơ sở sản xuất. Tạm đình bảo hộ chỉ quyền sở hữu trí tuệ chẳng giúp giải quyết gì nhiều, nhưng có khả năng sẽ kết hợp với một số biện pháp khác: quốc gia giàu có như Mỹ đầu tư sản xuất ở quốc gia thu nhập thấp, dùng nguồn tài chính dồi dào làm tăng sản lượng.

Giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế quốc gia và toàn cầu (thuộc Đại học Georgetown, Mỹ) Lawrence Gostin nhận xét việc tạm đình bảo hộ chỉ quyền sở hữu trí tuệ cần thiết nhưng không đủ. Hơn nữa đề xuất này phải mất nhiều tháng tranh luận, trong lúc đó các nhà sản xuất chẳng thể nào tăng sản lượng.

“Chúng ta chẳng nói gì về biện pháp tức thời giúp đỡ Ấn Độ, khu vực Mỹ Latinh hay bất cứ nơi đang trải qua đợt lây lan mạnh nào khác. Trong lúc bàn bạc đề xuất thì vi rút vẫn không ngừng đột biến”, ông Gostin lưu ý.

ap21089695900260-768x432.jpg
Sản lượng vắc xin COVID-19 chưa thể tăng đáng kể - Ảnh: AP

Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Knowledge Ecology International James Love - người ủng hộ việc tạm đình bảo hộ chỉ quyền sở hữu trí tuệ - có cùng quan điểm. Tuy nhiên ông chỉ ra rằng ít nhất làm vậy đem lại động lực tài chính cho bên thứ 3 đầu tư vào sản xuất vắc xin: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi rào cản pháp lý biến mất và có thị trường, năng lực sản xuất sẽ tăng nhanh”.

Tháng 10 năm ngoái, hãng Moderna tuyên bố sẽ tạm không buộc tuân thủ bằng sáng chế liên quan đến vắc xin COVD-19 họ đã đăng ký, mở ra cánh cửa cho nhiều nhà sản xuất vắc xin khác, nhưng đến nay không hề có thông tin đơn vị nào sản xuất được vắc xin của Moderna. Rõ ràng quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dược phẩm chỉ là một khía cạnh nhỏ của quá trình sản xuất vắc xin cực kỳ phức tạp.

Cựu quan chức Cơ quan Quản lý thực phẩm - dược phẩm Mỹ (FDA) Norman Baylor giải thích: “Hiện tại không có vắc xin gốc, chủ yếu vì quy trình sản xuất vắc xin có đến hàng trăm bước và công tác kiểm định chất lượng cũng gồm hàng nghìn bước. Một đơn vị có thể chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, nhưng chuyển giao năng lực thì không hề dễ dàng”.

Vắc xin dùng công nghệ RNA thông tin (mRNA) phát triển bởi Pfizer hay Moderna đòi hỏi nhân sự chuyên môn tay nghề cao mà không phải nhà sản xuất nào cũng đáp ứng được. Do đó xây dựng cơ sở mới hay tái cấu trúc cơ sở hiện có phục vụ sản xuất vắc xin mRNA là điều khó khăn.

Vấn đề còn nằm ở quy định hạn chế xuất khẩu nguyên liệu cùng thiết bị sản xuất vắc xin mà Mỹ ban hành. Pfizer từng khiếu nại chuyện này.

Theo ông Rajeev Venkayya - người đứng đầu đơn vị sản xuất vắc xin Takeda, tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng sản xuất vắc xin COVID-19 mà còn tác động đến hoạt động sản xuất nhiều dược phẩm khác.

“Đây là cuộc khủng hoảng đang rình rập và không thể giải quyết chỉ bằng cách thúc đẩy chuyển giao công nghệ hơn nữa”, ông Venkayya nói.

Cẩm Bình